Hôm nay (30/3), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết 23/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2016.

Tại Nghị quyết 23, để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử (Nghị quyết 36a), Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo hoàn thành liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết tích hợp thử nghiệm các dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 1/7/2016.

Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện các nhiệm vụ và hoàn thành ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 36a; thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trong năm 2016 theo danh sách do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trước đó, như ICTnews đã đưa tin, ngày 26/3/2016, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện một số giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử tới hết Quý I/2016.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho hay, tính đến hết ngày 24/3/2016, có 22/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập kế hoạch hành động xây dựng Chính quyền điện tử; có 7/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ; và 25/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành kết nối hệ thống quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ. Năm bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa hoàn thành kết nối hệ thống quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, đơn vị này đã chính thức liên thông (gửi, nhận) văn bản điện tử với UBND TP.HCM; hệ thống cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa 2 cơ quan. Trong thời gian tới, Văn phòng Chính phủ sẽ mở rộng liên thông văn bản điện tử tới các bộ, ngành, địa phương. Văn phòng Chính phủ dự kiến trước ngày 1/6/2016 sẽ hình thành một hệ thống quản lý quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương.

Trong báo cáo nêu trên, Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ các nhiệm vụ thực hiện trong quý II/2016. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của năm 2015 và quý I/2016 chưa được hoàn thành (có thời hạn hoàn thành trước ngày 1/4/2016), bao gồm: Ban hành kế hoạch hành động cụ thể xây dựng chính quyền điện tử (đối với địa phương) và cơ quan điện tử (đối với các bộ, ngành trung ương); Kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ; công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và phối hợp với Văn phòng Chính phủ lập danh mục  và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4.

Theo kế hoạch, cũng trong quý II/2016, Văn phòng Chính phủ sẽ ban hành Danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời đề xuất cơ chế thí điểm đầu tư, mua sắm và thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT; Bộ TT&TT sẽ ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CNTT, đề xuất chính sách thu hút và sử dụng chuyên gia giỏi về CNTT phục vụ cơ quan nhà nước; Bộ Tư pháp sẽ hoàn thiện hệ thống và triển khai cấp lý lịch tư pháp qua mạng điện tử;  Bộ Y tế sẽ hoàn thành triển khai thí điểm, chính thức kết nối hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh thanh toán và thanh toán bảo hiểm y tế qua mạng điện tử. Còn với Bộ Tài chính, cụ thể là Kho bạc Nhà nước, nhiệm vụ trong quý II/2016 là hoàn thành triển khai các dịch vụ công điện tử phục vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua mạng tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương.