Loạt phim Nhiệm vụ Bất khả thi (M:I) đã tồn tại suốt 22 năm và chưa có dấu hiệu "xuống sức", y như cách Tom Cruise chạy trong mỗi phần phim vậy. Nó chứng minh được rằng mình có thể đương đầu với bất kì loạt phim bom tấn nào. Công thức làm phim vẫn vận nhưng vẫn hiệu quả: một đoạn mở đầu ngắn, đề tài cứu thế giới được khai thác ở nhiều khía cạnh, một âm mưu mà trong đó ai cũng có thể là kẻ hai mang, những màn hành động mạo hiểm bậc nhất và hiển nhiên, có những thứ công nghệ kì diệu chỉ tồn tại trong thế giới giả tưởng
Thiết bị liên lạc "xịn" nhất thế giới
Trong những phần M:I cũ, bạn sẽ thấy một thiết bị nho nhỏ đặt vào trong lỗ tai để Ethan Hunt liên lạc với đồng đội. Đôi khi họ còn sử dụng điện thoại để gọi cho nhau cơ! Cảm giác cứ khác lạ sao vậy.
Đến phần mới nhất, Nhiệm vụ Bất khả thi: Sụp đổ, thì chẳng thấy thiết bị liên lạc đâu nữa rồi. Họ chạy nhảy, đấm đá, vật lộn, leo trèo nhưng thiết bị bí ẩn vẫn nằm yên vị (ở bất kì chỗ nào nó có thể nằm), không thấy rơi ra.
Khẩu súng gấp thành cây sáo
Trong phần Rogue Nation, tại phần mái của phòng opera, có một tên sát thủ lôi từ trong cặp ra một cây sáo, rút ra cắm vào chút là hắn đã có một cây súng ngắm giảm thanh. Hắn lặng lẽ chờ tới nốt cao trào của bản nhạc mới ra tay và trong lúc ấy, Ethan Hunt cũng lặng lẽ lại gần, giới thiệu với hắn ta một thứ vũ khí cực kì lợi hại ở tầm gần: đó là hai quả đấm của Hunt.
Kẹo cao su nổ
Do bản chất là đồ của điệp viên, vẻ ngoài của nó chẳng khác gì kẹo cao su thật. Nhưng khi dính hai phần xanh và đỏ lại, nó sẽ thành một thứ chất nổ có sức công phá tầm trung. Trong cảnh tẩu thoát, Hunt đã ném kẹo cao su nổ lên bể cá nhà hàng để vọt ra ngoài, chạy trốn.
Lần thứ hai anh sử dụng thứ "kẹo ngọt chết người" này là trong cảnh cuối phim, khi Hunt dính kẹo lên một cái máy bay trực thăng đuổi giết mình trong một hầm tàu cao tốc.
Thiết bị nhận dạng khuôn mặt
Đính thẳng vào giác mạc mắt, thiết bị này sẽ quét mặt của những cá nhân người dùng nhìn vào, và một cơ sở dữ liệu sẽ ngay lập tức phân tích những hình ảnh ấy, cho ra kết quả hiện trên điện thoại.
Đáng buồn là công nghệ xịn như vậy chỉ có trong phim …
Bọt ăn kim loại
Cảnh đuổi bắt trong hầm Chesapeake Bay Bridge đã căng thẳng lắm rồi, lại còn thêm mấy tay lính bắn bazooka vào xe nữa. Ethan Hunt đang lái một cái xe bọc thép, trong thùng chở tên tội phạm Owen Davian (do Phillip Seymoure Hoffman thủ vai). Khi tới đủ gần, lính của Davian xịt lên xe Hunt một thứ bọt gì đó màu cam.
Mảng kim loại bên thành xe Hunt vỡ vụn, Davian vội vàng thoát ra ngoài, quên mất không giải thích cho Hunt biết là thứ bọt kia là công nghệ kì diệu gì.
Màn chiếu ngụy trang
Khi Ethan Hunt và Benji Dunn lẻn vào điện Kremlin, họ cần phải vượt qua hệ thống an ninh nghiêm ngặt bậc nhất thế giới. May mắn thay là họ có trong tay những thứ công nghệ cũng hiện đại nhất thế giới. Họ tạo ra một màn chiếu 3 chiều, đánh lừa mắt người nhìn từ phía đối diện. Người bị đánh lừa sẽ vẫn nhìn thấy cái hành lang cũ, Ethan và Benji có làm gì họ cũng không biết.
Camera sẽ theo dõi cử động mắt của người lính gác, điều chỉnh hình chiếu 3D kia cho hợp lý. Thật may là công nghệ này không có thật …
Găng tay dính mọi bề mặt
Ghost Protocol chứa một trong những cảnh đáng nhớ nhất toàn series: Ethan Hunt lơ lửng bên hông tòa nhà chọc trời Burj Khalifa. Chính Tom Cruise thực hiện cảnh mạo hiểm này đó, hiển nhiên là với một cái dây bảo hiểm chứ không phải một đôi găng tay công nghệ cao.
"Đèn xanh là găng dính, đèn đỏ là anh chết". Ethan Hunt chấp nhận kèo may rủi này, leo lên tòa tháp bằng chỉ một đôi găng tay dính tường và bằng ý chí phi thường của một điệp viên gạo cội. Chẳng ngạc nhiên khi thấy một cái găng sẽ hỏng giữa đường leo lên. Tại sao lại không? Phim mới được khoảng 2/3, rõ ràng là Hunt sẽ không trượt tay mà rơi xuống.
Bộ đôi không thể tách rời: mặt nạ 3D và bộ chuyển đổi giọng nói
"Cú lừa" được dùng nhiều nhất trong loạt phim Mission: Impossible: Chơi trò hóa trang mỗi dịp Halloween với một cái mặt nạ công nghệ cao vô cùng tinh xảo và một bộ chuyển đổi giọng nói. Cứ mỗi lần ai đó lột ra cái mặt nạ, khán giả sẽ bất ngờ và gật gù "À thì ra thế".
Trong vô số thứ kì diệu trên, có lẽ xe lái từ xa bằng smartphone là thứ gần với đời thực của ta nhất
Benji rút ra cái điện thoại, gạt gạt vài cái là lái được xe. Mọi thứ dễ dàng như đang chơi Asphalt hay Need for Speed trên điện thoại vậy. Một cái chạm nhẹ lên màn hình, cửa xe đã mở tung. Bỗng cảm thấy công nghệ này chẳng xa vời chút nào: khi mà Internet of Things đang thay đổi mọi thứ, thì đây sẽ là công nghệ ta có được sớm nhất.
Chưa có hình ảnh thực tế về cảnh này, bạn đành phải tự ra rạp để xem thôi! Nhiệm vụ Bất khả thi: Sụp đổ đang được chiếu tại rạp Việt Nam.
Theo GenK