Vo-lam-truyen-ky.jpg
VinaGame đã mời cả những võ sư Thiếu Lâm Tự Trung Quốc sang quảng bá cho Võ Lâm Truyền Kỳ

1. Game thủ "bội thực" game online

Chỉ trong năm 2008 đã có hơn chục tựa game online xuất hiện trên thị trường, trong đó đáng chú ý là nhà phát hành VinaGame đã cho ra mắt tới 5 game online mới. Tiếp đó, VTC cũng đưa về 2 game để phục vụ game thủ. Một số nhà phát hành khác như NetGame Asia, NCS-Media, FPT Online, Asiasoft, cũng đều ra mắt game mới. Bên cạnh đó các game online cũ vẫn không ngừng cập nhật các phiên bản mới. Có thể nói, năm 2008 là năm các game thủ "bội thực" trong việc lựa chọn game online để chơi.

 2. Cuộc chiến ở thể loại game bắn súng góc nhìn người thứ nhất

Đầu năm 2008, làng game online Việt trở nên sôi động với cuộc chiến ở thể loại game bắn súng góc nhìn người thứ nhất (MMOFPS). FPT Online là người nổ phát súng đầu tiên ở thể loại này với game "Đặc nhiệm", tiếp sau đó là VTC Game với "Đột kích" và VinaGame cho ra mắt "Biệt đội thần tốc". Sau một thời gian cạnh tranh khá căng thẳng,   phần thắng đã thuộc về game Đột kích, tiếp theo là Biệt đội thần tốc. Đặc nhiệm mặc dù là game ra đầu tiên nhưng đã phải gánh chịu thất bại nhanh chóng bởi sự yếu kém về đồ họa của mình.

3. Xu hướng miễn phí trong game online

Miễn phí đã trở thành xu hướng chính trong game online năm 2008, tất cả các game được phát hành trong năm đều dưới dạng miễn phí giờ chơi. Ngay cả các game có thu phí trước đây như Võ lâm truyền kỳ 1 và Võ lâm truyền kỳ 2 cũng phát hành phiên bản miễn phí đi kèm. Nhà phát hành thu lợi từ việc bán vật phẩm hỗ trợ trong game. Đây là một xu thế tất yếu bởi hầu hết các nhà phát hành game trên thế giới đều áp dụng hình thức này.

4. Hack game vẫn hoành hành và cơ quan chức năng vào cuộc

Game mới phát hành bị hack, game cũ cũng bị hack, game để rèn luyện kỹ năng cũng hack… Năm 2008 là một năm mà các nhà phát hành game online phải đau đầu vì nạn hack trong game của mình. Đáng chú ý là VTC Game khi game mới ra của họ là Đột kích liên tục bị các hacker dòm ngó, phiên bản mới vừa cập nhật thì ngay lập tức hacker cũng cập nhật bản hack. FPT Online cũng đau đầu với "loạn hack" trong Thiên long bát bộ khiến cho game không thể cập nhật được phiên bản mới đúng thời hạn.

5. Nhiều game đóng cửa và game thủ vẫn chưa có quyền lợi

Năm 2008 là năm "bội thực" game online nhưng cũng là năm có nhiều game online đóng cửa nhất. Trong đó đáng chú ý là Asiasoft đã tuyên bố khai tử một lúc hai game của mình là Hiệp khách giang hồ và Ghost Online, VTC cũng đóng cửa Crazy -Kart và VinaGame chia tay Ragnarok. Mặc dù trong năm qua ngành công nghiệp game online trong nước cũng đã có những bước tiến đáng kể, nhưng lực lượng chính giúp cho ngành này phát triển là game thủ vẫn chưa có trong tay một quyền lợi nào về phía mình. Các game đóng cửa, game thủ đã không được bồi thường một khoản nào về chi phí và công sức mình đã bỏ vào trong game của nhà phát hành.

6. VietGames 2008: Nhà phát hành bội thực giải thưởng

Giải thưởng VietGames 2008 đánh dấu sự thành công của các nhà phát hành game online trong nước, ngoại trừ CyberWorld không tham gia, còn lại nhà phát hành nào cũng nhận được các giải thưởng cho game của mình. Đáng chú ý nhất vẫn là VinaGame khi chiếm tới 7 giải thưởng trong năm qua.

7. Game thuần Việt vẫn vắng bóng

Năm 2008 được xem là một năm đáng buồn cho ngành game online Việt Nam, mặc dù đã có hơn 30 tựa game xuất hiện trên thị trường nhưng tất cả đều là game "ngoại nhập". Game online Việt được kỳ vọng nhiều nhất là: Thuận Thiên Kiếm vẫn chưa thể ra mắt game thủ đúng thời hạn như đã thông báo. Còn lại các dự án game online được xem là thuần Việt khác có dự án đóng cửa, còn một số thì vẫn chưa có động tĩnh gì mới.

8.  Bạo lực do game online gia tăng

Hàng loạt vụ bạo lực, các vụ án do ảnh hưởng từ game online gia tăng trong năm 2008. Cháu giết bà lấy tiền chơi game, anh giết em họ…, đã có nhiều bài báo, các phương tiện truyền thông báo động về tình trạng những game thủ chơi game bị "ám ảnh" bạo lực trong game và tiến hành phạm tội ngoài đời thực. Hầu hết các tội phạm này đều có độ tuổi khoảng 14, 15 và đang ngồi trên ghế nhà trường.

9. Nghiện game online trở thành một vấn đề của xã hội.

Chơi game quá đam mê dẫn đến bỏ cả mọi hoạt động ngoài đời thực; Game thủ đắm chìm trong thế giới ảo từ ngày này qua ngày khác; Nhiều game thủ đã mắc căn bệnh nghiện game online, bỏ bê cả công việc và học hành, suốt ngày chỉ biết game và game. Điều này đã khiến cho các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng cho tương lai của con cái mình. Để giải quyết tình trạng trên, lớp học cai nghiện game online đầu tiên của Việt Nam có tên gọi "xây dựng hình ảnh bản thân" đã được Trung tâm văn hóa và thể thao thanh thiếu niên miền Nam tổ chức cho game thủ. Hiện lớp học có 20 học viên theo học và hầu hết những người nghiện game online đã có bước tiến rất đáng kể, đang dần tìm lại hình ảnh của mình trong cuộc sống hàng ngày.

10. Giao dịch tài sản ảo vẫn ngang nhiên tồn tại

Mặc dù các cơ quan chức năng không cho phép, các nhà phát hành game online không công nhận các giao dịch tài sản ảo trong các game online nhưng trong năm 2008, các giao dịch này vẫn ngang nhiên tồn tại. Các công ty kinh doanh đồ ảo vẫn hoạt động mạnh mẽ,  tiêu biểu nhất là M4G đã tổ chức các cuộc đấu giá đồ ảo lên tới hàng tỷ đồng.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 130 ra ngày 29/12/2008