1. Hơn 100 dự án nhà ở được khơi thông pháp lý
Cuối năm 2023, UBND TP.HCM cho biết vừa tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý cho thêm 3 dự án bất động sản. Như vậy, cả năm qua, TP.HCM đã khơi thông pháp lý cho hàng trăm dự án đầu tư, trong đó có 116 dự án nhà ở thương mại.
Đây là kết quả bước đầu từ sự phối hợp giữa Tổ Công tác của Chính phủ và UBND TP.HCM. Ngoài một số dự án do Tổ công tác chuyển đến, UBND TP.HCM cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết các vướng mắc về quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản… cho hàng chục dự án nhà ở.
2. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận nhà đất
Thống kê vào đầu năm 2023, trên địa bàn TP.HCM vẫn còn 81.085 căn nhà tại 335 dự án nhà ở thương mại dù đủ điều kiện nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Từ tháng 5/2023, Sở TN&MT TP.HCM đã thực hiện kế hoạch đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận.
Sau 4 tháng triển khai kế hoạch, đã có 3.812 căn nhà được cấp giấy chứng nhận. Hơn 77.200 căn nhà còn lại, Sở TN&MT TP.HCM đã phân thành 6 nhóm vướng mắc để tiếp tục giải quyết.
3. Nghị quyết 98 cho TP.HCM cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội
Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua đã cho phép TP.HCM triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhà ở xã hội.
Đó là việc lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với đồ án quy hoạch chi tiết; áp dụng các quy chuẩn để duyệt chỉ tiêu quy hoạch; chủ đầu tư có các loại đất khác không phải đất ở vẫn được thực hiện dự án; ngoài 20% quỹ đất ngay tại dự án, các chủ dự án nhà ở thương mại được chọn thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội ở vị trí khác…
4. Sáu dự án nhà ở đủ điều kiện vay chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng
Trong năm qua, TP.HCM có 6 dự án đủ điều kiện tiếp cận chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư của Chính phủ.
Chủ đầu tư của những dự án này có nhu cầu vay tổng cộng 2.776,7 tỷ đồng. Trong đó, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê tại TP.Thủ Đức được ngân hàng đồng ý cho vay 585 tỷ đồng.
5. Căn hộ cao cấp và hạng sang chiếm lĩnh thị trường
Thống kê cho thấy, thị trường căn hộ TP.HCM năm qua diễn biến theo kịch bản “đầu năm im ắng, cuối năm sôi động”. Nguồn cung phân khúc căn hộ chỉ được khơi thông phần nào vào giai đoạn nửa cuối năm.
Trong phần lớn nguồn cung căn hộ mới năm qua thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang, chủ yếu đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. So với những năm trước, thị trường căn hộ năm nay TP.HCM được các chuyên gia đánh giá vẫn còn khoảng cách lớn giữa nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ.
6. Lần đầu tiên thị trường ‘sạch bóng’ nhà giá rẻ
Năm qua, TP.HCM có 14 dự án với hơn 14.200 căn nhà đủ điều kiện huy động vốn nhà ở hình thành trong tương lai. Phần lớn trong số này là phân khúc căn hộ chung cư, với 14.000 căn, chỉ có 1.200 căn nhà thấp tầng.
Thị trường nhà ở vẫn tiếp tục có sự lệch pha khi nguồn cung phân khúc cao cấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tình trạng khan hiếm nhà ở có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 tiếp tục diễn ra và đây là năm đầu tiên thị trường không có căn nhà nào thuộc phân khúc này đủ điều kiện mở bán.
7. Giá căn hộ tăng nhẹ, chủ đầu tư tung chính sách bán hàng chưa từng có
Số liệu từ một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, so với năm trước, giá bán trung bình căn hộ sơ cấp tại TP.HCM trong năm qua tăng nhẹ, khoảng 60 triệu đồng/m2. Giá tăng do các chủ đầu tư điều chỉnh giá của phân khúc cao cấp và hạng sang.
Bên cạnh hỗ trợ lãi suất vay hoặc cam kết cho thuê, thị trường ghi nhận một số chính sách bán hàng chưa từng có đến từ các chủ đầu tư. Như người mua sẽ được nhận nhà sau khi thanh toán 20%, phần còn lại trả trong 4 năm; hay 25% căn hộ trong đợt mở bán sẽ có giá thấp hơn từ 20% - 25% so với giá trung bình toàn giỏ hàng.
8. Sôi động các thương vụ M&A dự án bất động sản
Dù vẫn đang trong giai đoạn khó khăn nhưng thị trường bất động sản TP.HCM năm qua vẫn diễn ra một số thương vụ mua bán và sáp nhập dự án đáng chú ý.
Đơn cử như doanh nghiệp Malaysia nhận chuyển nhượng khu đất hơn 2.000m2 tại Q.8 của doanh nghiệp trong nước với giá 14,3 triệu USD để phát triển dự án nhà ở. Đại gia bất động sản Malaysia khác cũng đã chốt mua dự án nhà ở gần 3,7ha tại TP.Thủ Đức với giá hơn 300 triệu USD.
Hay như ‘ông lớn’ bất động sản đến từ Singapore đã mua vốn tại hai dự án nhà ở trên địa bàn TP.Thủ Đức của một doanh nghiệp trong nước với giá hơn 3.000 tỷ đồng.
Giữa năm 2023, hai khách sạn sang trọng tại Q.7, TP.HCM đã được một doanh nghiệp từ Hong Kong (Trung Quốc) mua lại với giá hàng chục triệu USD.
9. Hàng loạt mặt bằng cho thuê khu trung tâm bị bỏ trống
Theo ghi nhận, càng về cuối năm, mặt bằng cho thuê trên những tuyến đường thuộc khu trung tâm TP.HCM bị bỏ trống càng nhiều. Doanh thu giảm, thói quen mua sắm của người dân thay đổi đã khiến cho không ít chủ cơ sở kinh doanh trả mặt bằng hoặc dời cửa hàng về khu vực ngoại thành.
Một số tuyến đường trước đây tấp nập mua bán thì nay làn sóng trả mặt bằng lan rộng. Nhiều chủ nhà chấp nhận giảm giá, miễn phí tiền thuê tháng đầu hay thậm chí lược bỏ các điều kiện ràng buộc nhưng vẫn không có khách thuê.
10. Giá thuê mặt bằng đường Đồng Khởi, Q.1 thuộc hạng đắt nhất thế giới
Dù mặt bằng bán lẻ tại nhiều tuyến đường trung tâm TP.HCM bị bỏ trống hàng loạt, giảm giá vẫn ế khách nhưng đường Đồng Khởi, Q.1 vẫn được Cushman & Wakefield xếp hạng 13/49 tuyến phố có giá thuê mặt bằng bán lẻ đắt nhất thế giới năm 2023.
Theo Cushman & Wakefield, giá thuê mặt bằng bán lẻ trên đường Đồng Khởi, Q.1 là 8,2 triệu đồng/m2/tháng, tương ứng gần 100 triệu đồng/m2/năm.