Bài liên quan:
>> 10 sự kiện CNTT-TT Việt Nam nổi bật của thập kỷ
Do khuôn khổ trang báo có hạn, phần giới thiệu về các nhân vật chỉ lược thuật những nét chính, mà theo quan điểm của chúng tôi, là những đóng góp chủ yếu của các nhân vật.
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Tầm nhìn về ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính
Ông Nguyễn Thiện Nhân hiện là Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, là người dành tâm huyết đặc biệt cho sự phát triển CNTT. Khi ở cương vị Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông luôn dành nhiều thời gian cho công tác chỉ đạo phát triển CNTT của TP. Ông luôn có sự gắn bó mật thiết, chí tình, là biểu tượng niềm tin và kỳ vọng của giới CNTT TP. HCM. Khi nhắc đến ông Nhân, người ta luôn nhớ đến dấu ấn về những công trình, chẳng hạn như Dự án xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) - ông là người đề xuất thành lập và ông đã dồn công sức, trí tuệ, thời gian để kiêm luôn Trưởng ban chỉ đạo dự án này. QTSC đến nay là một trong những mô hình và biểu tượng thành công của TP.HCM và Việt Nam ở lĩnh vực CNTT. Bên cạnh đó, ông đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng “cổng thông tin TP.HCM: HCM-City web”. Đây là một trong những cổng thông tin của cơ quan chính quyền đầu tiên ở Việt Nam. Giai đoạn 2000-2005, ông cũng đã có sáng kiến đề xuất thành lập Quỹ đào tạo nhân lực CNTT cũng như đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào CNTT TP.HCM.
Ông Đặng Hữu: Người đứng sau Chỉ thị 58
Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, GS. VS Đặng Hữu được coi là người có đóng góp quan trọng nhất trong việc xây dựng và trình Bộ Chính trị TW Đảng khóa VIII ban hành Chỉ thị 58/CT-TW ngày 17/10/2000 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ CNH - HĐH đất nước. Đây là bản Chỉ thị quan trọng, với nhiều quan điểm phát triển mang tính cách mạng và đột phá, thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc ứng dụng và phát triển CNTT - một trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển - phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Bản Chỉ thị này đã tạo nền tảng vững chắc và quan trọng cho sự phát triển của CNTT-TT Việt Nam trong thập kỷ qua.
GS. VS Đặng Hữu là một trong 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển của Internet Việt Nam trong 10 năm 1997-2007, do Báo Bưu điện Việt Nam phối hợp với CLB Nhà báo CNTT Việt Nam bình chọn.
Ông Trương Gia Bình: “Tượng đài” của ngành phần mềm Việt Nam
Ông Trương Gia Bình được biết đến với vai trò đầu tàu trong việc phát triển một trong những doanh nghiệp phần mềm đầu tiên tại Việt Nam là Công ty cổ phần phần mềm FPT. Ông cũng là người tham gia rất tích cực vào việc xây dựng Nghị quyết 07/CP của Chính phủ ngày 5/6/2000 về phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam giai đoạn 2000-2005, cùng việc tham gia thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA). Trên con đường phát triển của ngành phần mềm Việt Nam, cho dù có những lúc thuận lợi hay khi gặp những chông gai, trắc trở thì dấu ấn của ông Trương Gia Bình - con người có năng lực lãnh đạo, tài thuyết khách và khả năng quy tụ tài năng xung quanh mình - vẫn luôn nổi bật.
Hình ảnh cá nhân của ông Trương Gia Bình trong con mắt cộng đồng CNTT thế giới cũng rất đậm nét. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp CNTT nổi tiếng như Bill Gates của Microsoft, Paul Otellini của Intel… khi đến thăm Việt Nam đều có những cuộc tiếp xúc riêng với ông Trương Gia Bình.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: “Linh hồn” cỗ máy khiến di động, Internet thành dịch vụ bình dân
Năm 2000, Viettel bắt đầu bước chân vào thị trường viễn thông với dịch vụ điện thoại giá rẻ đường dài trong nước (VoIP). Từ dịch vụ này Viettel đã tiến đến cuộc cách mạng thứ hai là mở mạng di động vào tháng 9/2004. Trước đó, năm 2003, mạng di động S-Fone đã khai trương, nhưng thị trường di động chỉ thực sự bị phá vỡ thế độc quyền khi Viettel chính thức cung cấp dịch vụ này. Viettel đã góp phần quan trọng định nghĩa lại dịch vụ di động từ xa xỉ trở thành bình dân.
Năm 2006, Viettel bắt đầu tiến ra thị trường nước ngoài và năm 2009 đã trở thành mạng viễn thông lớn tại Lào và Campuchia. Chỉ sau 9 năm, Viettel đã bước đi từ con số không đến trở thành doanh nghiệp có mạng di động lớn nhất Việt Nam và có tiếng vang ra quốc tế. Xuyên suốt quá trình phát triển thần tốc của Viettel có vai trò to lớn của ông Nguyễn Mạnh Hùng, người được các đối thủ nhìn nhận là có tầm nhìn xa và có tài lãnh đạo, được mệnh danh là "bộ não" của Viettel.
Ông Thân Trọng Phúc: Đưa Intel về Việt Nam - Bảo đảm bằng vàng cho hình ảnh CNTT Việt Nam
Trong 9 năm làm việc tại Intel Việt Nam, ông Thân Trọng Phúc đã góp phần quan trọng vào sự thành công của hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới này tại thị trường Việt Nam, Lào và Campuchia. Thị phần chip của Intel tại Việt Nam hiện đạt hơn 90% (thị phần của Intel trên toàn cầu hiện là khoảng 80%). Thành tích này đã đưa Intel Việt Nam trở thành một trong số ít các công ty của Intel trên toàn cầu hoạt động hiệu quả và sáng tạo trong lĩnh vực bán hàng.
Ông Thân Trọng Phúc cũng được biết đến với vai trò là cầu nối thành công giữa Intel với Chính phủ Việt Nam, mà nổi bật trong đó là việc góp phần đưa dự án đầu tư xây dựng nhà máy kiểm định và đóng gói chip Intel (ATM) – nhà máy lớn nhất của Intel trong hệ thống 7 nhà máy của hãng trên toàn thế giới - trị giá 1 tỉ USD về Khu Công nghệ cao TP. HCM năm 2006. Sự kiện này mang lại những cơ hội phát triển lớn cho ngành CNTT Việt Nam.
Ông Mai Liêm Trực: Người mở đường cho “bùng nổ” Internet
TS. Mai Liêm Trực, nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông đã được CLB Nhà báo CNTT Việt Nam bình chọn là nhân vật số 1 có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet Việt Nam vào năm 2007. Chính ông, sớm nhận thức ra xu hướng phát triển Internet, đã thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam cho mở Internet từ năm 1997 và tạo điều kiện về mặt quản lý nhà nước cho Internet phát triển, với một quan điểm quản lý nổi tiếng và mang tính đột phá “Năng lực quản lý phải theo kịp với yêu cầu phát triển”, thay cho tư duy quản lý cũ là “Quản lý được đến đâu, mở ra đến đó”. Chính quan điểm phát triển trên đã mang lại sự bùng nổ của Internet tại Việt Nam trong thập kỷ qua.
Ông Mai Liêm Trực cũng là người tiên phong ủng hộ việc bỏ độc quyền doanh nghiệp, mở cửa cạnh tranh trong thị trường viễn thông. Ông đã tạo điều kiện rất nhiều cho những doanh nghiệp mới phát triển, mang lại sức phát triển mạnh mẽ cho thị trường viễn thông trong những năm qua.
Ông Đỗ Trung Tá: Người tâm huyết xóa khoảng cách số
GS.TSKH Đỗ Trung Tá - Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT, Phó Trưởng Ban CĐQG về CNTT, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Chủ tịch HĐQT VNPT, có thâm niên làm việc nhiều năm tại VNPT trước khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông. Ông Đỗ Trung Tá được nhắc đến với vai trò là người "chèo lái" con thuyền VNPT ở thời điểm bắt đầu mở cửa thị trường viễn thông và Internet, đưa viễn thông Việt Nam mà VNPT là chủ đạo phát triển mạnh mẽ.
Khi là lãnh đạo VNPT hay sau này là Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, ông luôn luôn mong muốn quan tâm hơn nữa đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi chiếm khoảng 70% dân số Việt Nam. Bởi theo ông, khi thành phố đang dần bão hoà về nhu cầu dịch vụ viễn thông, CNTT thì cũng có nghĩa là khoảng cách số giữa nông thôn - thành thị đang ngày càng xa. Vì vậy, một mục tiêu khi còn là Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông, ông Tá luôn dành tâm huyết là phải quyết tâm đẩy nhanh hơn quá trình thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách số.
Ông Chu Hảo: “Bộ óc” mở về phát triển công nghiệp phần mềm và thu hút công nghệ cao
Khi còn là Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Chu Hảo có vai trò lớn trong việc xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 07/CP năm 2000 đặt ra mục tiêu đưa phần mềm trở thành ngành công nghiệp đạt doanh thu 500 triệu USD vào năm 2005. Đây là văn bản đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam và cũng là cơ sở cho sự ra đời những chính sách ưu đãi cho công nghiệp phần mềm sau đó.
Trước năm 2000, ông Hảo cũng có dấu ấn rất lớn trong chủ trương đưa Internet vào Việt Nam. Sau khi được tiếp xúc với Internet lần đầu tại Mỹ vào năm 1995, ông Hảo cùng với các ông Mai Liêm Trực, Đỗ Trung Tá, tích cực thuyết phục lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho phép mở cửa Internet ở Việt Nam từ năm 1997. Ông cũng là một trong mười cá nhân có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển Internet Việt Nam 1997 - 2007.
Ông Vũ Hoàng Liên: “Thuyền trưởng” của VDC
Ông Vũ Hoàng Liên là “thuyền trưởng” của VDC - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và có công lớn trong việc đưa công nghệ ADSL vào Việt Nam từ ngày 1/7/2003 với thương hiệu MegaVNN. Từ khi Việt Nam có Internet băng rộng, số lượng người được sử dụng dịch vụ này tăng lên với cấp số nhân. Internet từ chỗ là dịch vụ xa xỉ, với băng hẹp, giá cao, các dịch vụ hạn chế nay đã trở nên phổ biến với nhiều dịch vụ gia tăng, với khoảng 30% dân số Việt Nam sử dụng. ADSL đã thúc đẩy sự phát triển bùng nổ của các dịch vụ nội dung số, đặc biệt là game online, mạng xã hội và những dịch vụ giải trí như nhạc số…. và trở thành phần không thể thiếu của xã hội ngày nay. VDC là doanh nghiệp có phạm vi cung cấp dịch vụ Internet rộng nhất hiện nay.
Vào năm 2007, ông Vũ Hoàng Liên cũng là một trong 10 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong việc phát triển Internet ở Việt Nam trong cuộc bầu chọn do Báo BĐVN cùng CLB Nhà báo CNTT tổ chức năm 2007, nhân sự kiện 10 năm Internet có mặt tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Tử Quảng: “Hiệp sỹ” bảo mật Việt Nam
Ông Nguyễn Tử Quảng, sinh năm 1975, khi còn là sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách Khoa Hà Nội vào năm 1995 đã viết phiên bản đầu tiên của phần mềm diệt virus BKAV (Bách khoa Antivirus) và cung cấp miễn phí trên phạm vi cả nước. Đến năm 1997, phần mềm này được cung cấp miễn phí trên mạng ngay sau khi Việt Nam kết nối Internet toàn cầu.
Cùng thời với BKAV, Việt Nam còn có một số phần mềm diệt virus khác như FAV, TAV, ATV, D2. Nhưng trong số các phần mềm ra đời sớm này, nay chỉ còn BKAV và gần đây có thêm sản phẩm nữa của CMC Infosec tồn tại để cạnh tranh với các thương hiệu phần mềm diệt virus của nước ngoài.
Năm 2003, ông Nguyễn Tử Quảng thành lập công ty BKAV cung cấp các dịch vụ an ninh mạng, phần mềm đóng gói và dịch vụ chứng thực chữ ký số (PKI). Công ty BKAV hiện có 615 nhân viên. Không chỉ cung cấp sản phẩm ở thị trường nội địa, ông Nguyễn Tử Quảng dự định từ giữa năm 2010 sẽ đưa phần mềm BKAV ra thị trường toàn cầu, cạnh tranh với những tên tuổi lớn như Symantec, McAfee.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Canh Dần