- Sau hợp nhất, số lượng cán bộ công chức của Hà Nội lên đến hơn 100 ngàn người. Chất lượng trình độ cán bộ không đồng đều, thậm chí có người ở cấp huyện không có bằng cử nhân.
Vừa mừng, vừa lo
Tháng 5/2008, với gần 93% đại biểu tán thành, QH đã thông qua nghị quyết 15 về điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh, có hiệu lực từ 1/8/2008.
Theo nghị quyết, Thủ đô Hà Nội sẽ rộng gấp 3,6 lần diện tích khi đó, bao gồm: TP Hà Nội trước hợp nhất, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Tổng diện tích của Thủ đô mới hơn 3.300 km2.
Nhớ lại thời gian còn làm Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên 10 năm trước, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay, khi có thông tin Hà Tây về với Hà Nội, cán bộ, công chức huyện vừa mừng, vừa lo.
“Chúng tôi lo vì không biết cơ chế chính sách tới đây sẽ thay đổi như thế nào, đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến xã có đáp ứng được nhiệm vụ mới hay không”, ông Mỹ nói.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành |
Từng là GĐ một sở của tỉnh Hà Tây, ông Khuất Văn Thành hiện là GĐ Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, việc sắp xếp bộ máy chiếm rất nhiều thời gian. Sau khi hợp nhất, ông là một trong số 54 người được luân chuyển đợt đầu.
Theo ông, việc sắp xếp này rất lớn, ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm tư cán bộ đảng viên lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ông Thành đánh giá, việc luân chuyển rất nhẹ nhàng, thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, ý thức trách nhiệm cao và kết quả đã rất thành công.
Bài toán khó về sắp xếp cán bộ
Ông Nguyễn Công Soái - nguyên Phó bí thư thường trực Thành uỷ Hà Nội kể, sau khi hợp nhất, số lượng cán bộ, công chức của Hà Nội lên đến hơn 100 ngàn người, trong đó có 1.000 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý.
Tuy nhiên, chất lượng trình độ cán bộ khi đó không đồng đều, thậm chí có những người ở cấp huyện không có bằng cử nhân, nhiều cán bộ sở ngành chưa được đào tạo cao cấp, trung cấp chính trị… dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP gặp nhiều khó khăn.
“Việc này sẽ động chạm đến tư tưởng của hàng trăm con người. Một việc lớn, quan trọng như vậy ở thời điểm đó nhưng cũng không có hướng dẫn bước đi, cách làm từ TƯ”, ông Soái nhớ lại.
Nguyên Phó bí thư thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Công Soái |
Trước bài toán được xem là rất khó, TP xác định sắp xếp tổ chức bộ máy là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Theo ông, sau khi QH thông qua nghị quyết 15, Bí thư Thành ủy Hà Nội khi đó là ông Phạm Quang Nghị đã chủ động triệu tập cuộc họp thường trực Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Hà Tây để thống nhất nguyên tắc, thời gian sắp xếp cán bộ Thành ủy Hà Nội (mở rộng) và nhận được sự thống nhất rất cao.
TP Hà Nội xác định nguyên tắc sắp xếp theo hướng cán bộ trong Thường trực Thành ủy và Tỉnh ủy khi mở rộng do TƯ sắp xếp và bố trí; cán bộ trong Ban Thường vụ Thành ủy đến các sở ngành do Thành ủy sắp xếp, bố trí theo hướng một trưởng giữ nguyên, một xuống làm phó hoặc điều động sang nhận nhiệm vụ khác.
Sau hợp nhất, 2 Ban chấp hành Đảng bộ được giữ nguyên với tổng cộng 99 người; hai Ban Thường vụ cũng được giữ nguyên với tổng cộng 23 người.
Cán bộ được điều chuyển sang làm nhiệm vụ khác hoặc xuống làm phó cũng có tâm tư. Nhưng vì cách làm của Thành ủy là chủ động, công khai, dân chủ và vì việc chung nên đã phần nào giải tỏa được tâm tư của cán bộ.
“Vượt lên tất cả, với sự tôn trọng lẫn nhau, nhường nhịn nhau, nên các tầng lớp cán bộ, công chức đã cùng chung tay xây dựng Thủ đô mở rộng có kết quả như ngày hôm nay.
Việc sắp xếp hàng nghìn cán bộ như thế nhưng không có đơn thư khiếu nại lên TƯ và thành phố”, ông Soái nói.
Một trong những việc ông Soái nhận thấy cực kỳ khó khăn là luân chuyển gần 60 cán bộ là PGĐ sở ngành về làm Phó bí thư, Phó chủ tịch UBND quận, huyện.
“Hầu hết cán bộ thuộc diện luân chuyển, điều động không muốn xuống quận, huyện. Tuy nhiên, sau khi TP xem xét từng hoàn cảnh cụ thể, các cán bộ thuộc diện luân chuyển đã nghiêm túc thực hiện”, ông Soái cho hay.
Để nâng cao trình độ chuyên môn chính trị cán bộ từ cơ sở đến TP, Thành uỷ đã xây dựng chương trình với nội dung cụ thể vấn đề này. Hà Nội cũng báo cáo với TƯ cho tăng cán bộ được đào tạo cao cấp chính trị và chủ động mở thêm nhiều lớp trung cấp lý luận chính trị, đào tạo hơn 1.000 cán bộ nguồn.
“Sau 10 năm đã có 3.597 cán bộ tốt nghiệp cao cấp chính trị, 19.824 cán bộ tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị. Đây là con số rất ấn tượng sau khi thực hiện nghị quyết 15”, nguyên Phó bí thư Thành ủy đánh giá.
Ông Soái cho rằng, để bộ máy hành chính ổn định, hoạt động hiệu quả sau hợp nhất, trong công tác sắp xếp, đào tạo quy hoạch cán bộ luôn phải công tâm, khách quan. Đặc biệt là phải nhận được sự đồng thuận của Thường trực Thành ủy, Ban thường vụ Thành ủy trong công tác chỉ đạo, điều hành.
“Sau hợp nhất, đội ngũ cán bộ rất hùng hậu, nhưng sau 10 năm đã giảm tương đương như những tỉnh thành khác, bộ máy vẫn hoạt động đồng bộ, hiệu quả. Điều đó cho thấy việc tinh giản biên chế theo lộ trình là hoàn toàn chính xác”, ông Soái nói thêm.
Hợp nhất cơ quan đảng, chính quyền: Chúng tôi từng tranh luận nảy lửa
Hợp nhất liệu có 'vừa đá bóng vừa thổi còi', làm mất vai trò của Đảng?
Sáp nhập xã, huyện: Tách hân hoan, nhập lại mấy người đồng ý
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng việc chia tách các đơn vị hành chính dễ hơn, ai cũng hân hoan, nhưng sáp nhập thì mấy ai đồng ý.
259 huyện, 6.191 xã trong cả nước có thể sáp nhập
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết, có 259 huyện, 6.191 xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn, cần sắp xếp.
Kẽ hở công tác cán bộ, Đà Nẵng không còn như xưa
Từ sai phạm của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho thấy công tác cán bộ còn có những kẽ hở để lọt vào TƯ người không đủ tiêu chuẩn.
Nồi cơm Thạch Sanh cũng khó bao nổi bộ máy cồng kềnh
Cái bánh ngân sách dù thành nồi cơm Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế lo lắng.
Tinh gọn bộ máy sẽ ra tiền, ra gạo
Thực hiện tốt nghị quyết 18 TƯ 6, bộ máy tinh gọn không những nâng cao chất lượng hoạt động mà còn ra tiền, ra gạo.
Hương Quỳnh