Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) vừa thông qua kế hoạch huy động vốn bằng kênh trái phiếu. Theo đó, KBC sẽ chào bán 4 triệu trái phiếu ra công chúng, tương đương tổng giá trị tính theo mệnh giá là 400 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng kể từ ngày phát hành, trả lãi định kỳ 6 tháng 1 lần kể từ ngày phát hành, lãi suất cố định 11%/năm.

Theo kế hoạch, số tiền huy động KBC của ông Đặng Thành Tâm sẽ dùng để tăng quy mô vốn hoạt động của các công ty con nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh.

Tại báo cáo thường niên năm 2019, năm nay KBC tiếp tục có kế hoạch đầu tư hoàn thiện hàng loạt dự án đang xây dựng dở dang, trong đó phần lớn là các KCN như KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, và 2 khu đô thị lớn là Khu đô thị Phúc Ninh (Bắc Ninh) và KĐT Tràng Duệ (Hải Phòng)…

Như vậy, nếu không có gì thay đổi Tập đoàn Phát triển Đô thị Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào bất động sản công nghiệp (khu công nghiệp) trên phạm vi toàn quốc và một phần bất động sản đô thị tại Bắc Ninh - một trọng điểm của KBC.

Gần đây, KBC cũng liên tục huy động trái phiếu. Doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm dự tính tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.

Trong năm 2020, KBC đặt ra 2 kế hoạch kinh doanh, trong đó phương án khả quan là dự kiến tổng doanh thu hợp nhất đạt 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 816 tỷ đồng. Đối với phương án tích cực với tổng doanh thu thuần dự kiến đạt 3.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư cho các dự án của KBC lên tới khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu ý là KBC của ông Đặng Thành Tâm huy động trái phiếu ở mức lãi khá cao, 11%/năm, trong khi đó lãi suất tại hầu hết các ngân hàng có xu hướng giảm mạnh và hệ thống có thanh khoản dồi dào.

{keywords}
Ông Đặng Thành Tâm.

Mức lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng tiếp tục giảm mạnh với kỳ hạn dưới 6 tháng có nơi chỉ còn 3%/năm. Mức trần lãi suất 4,25% không được các ngân hàng quan tâm.

Không chỉ KBC, hàng loạt các doanh nghiệp ồ ạt huy động vốn thông qua trái phiếu. Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 6 tháng đầu năm, có 130 doanh nghiệp huy động hơn 156 nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu, tăng 25%. Các ngân hàng và nhóm doanh nghiệp bất động sản là đối tượng huy động nhiều nhất, chiếm tỷ trọng tương đương nhau, khoảng 30% toàn thị trường.

Theo SSI Research, tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tại tương đương khoảng 8,6% tổng tiền gửi toàn hệ thống ngân hàng.

Với ông Đặng Thành Tâm, những món nợ đeo đuổi trong khoảng 5-10 năm qua đã khiến đại gia này không còn mặn mà với ngân hàng. Kết quả kinh doanh thua lỗ, doanh thu tụt giảm, nợ nần chồng chất,... tại các doanh nghiệp như KBC, ITA, SGT,... và cả những món đầu tư và khoản nợ tại hai ngân hàng Navibank và WesternBank trong các năm trước đó đã khiến ông Tâm không đứng vững.

Trong khoảng 3-5 năm gần đay, ông Tâm đã dứt khỏi lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực mà theo ông là con dao hai lưỡi. Khối nợ khổng lồ đã giảm đi trông thấy.

Gần đây doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm đã khởi sắc trở lại, giới đầu tư thấy ông Tâm triển khai nhiều dự án hơn. Chị gái ông Tâm - bà Đặng Thị Hoàng Yến sau gần 10 năm cũng đã trở lại, với phiên họp ĐHCĐ thường niên 2020. Tuy nhiên, đây vẫn là thời điểm nhạy cảm, cơ hội nhiều nhưng rủi ro đối với nền kinh tế không ít, khi mà thế giới vẫn đang vật lộn với đại dịch Covid-19.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến vẫn là chủ tịch CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) nhưng đã vắng mặt trong 8 kỳ đại hội gần đây. Ngày 5/6 bà Yến đã không còn nhờ ông Tâm thay mặt chủ tọa tại ĐHCĐ 2020 nhưng cũng chỉ tham gia thông qua họp trực tuyến.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 15/7, chỉ số VN-Index tăng nhẹ lên trên ngưỡng 870 điểm.

Theo Rồng Việt, thị trường vẫn đang trong giai đoạn thận trọng kiểm tra xu hướng, vùng hỗ trợ ngắn hạn đối với VN-Index là vùng 860 điểm. Tuy nhiên, động lực tăng của thị trường nhìn chung vẫn còn khiêm tốn nên có khả năng quá trình thăm dò hiện tại sẽ tiếp diễn trong thời gian gần tới. Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên quan sát thị trường, cơ hội lướt ngắn hạn vẫn tồn tại ở một số cổ phiếu có tín hiệu kỹ thuật tốt từ vùng tích lũy nhờ yếu tố phân hóa.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/7, VN-Index giảm 0,61 điểm xuống 868,11 điểm; HNX-Index tăng 0,49 điểm lên 116,14 điểm. Upcom-Index giảm 0,35 điểm xuống 56,94 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 4,5 ngàn tỷ đồng.

V. Hà