Theo quan niệm của người Trung Quốc, những món ăn như cam quýt, mỳ sợi dài hay cá nguyên con sẽ mang đến rất nhiều may mắn, tài lộc và sức khỏe.
Có cùng thời điểm ăn Tết với nước ta, người Trung Quốc cũng đang tấp nập chuẩn bị cho kỳ nghỉ năm mới. Các món ăn luôn là một phần không thể thiếu trong dịp quây quần cùng gia đình, bè bạn. Với những niềm tin truyền thống đã có từ hàng nghìn năm nay, người Trung cho rằng năm mới sẽ thật tốt lành nếu chuẩn bị những món ăn sau đây.
1. Cam Quýt
Người Trung Hoa tin rằng bày biện và ăn cam quýt sẽ mang đến may mắn và sự giàu có cho gia chủ. Truyền thống này bắt nguồn từ sự tương đồng về âm thanh giữa chữ “cam” và “vàng” trong tiếng Trung trong khi từ “quýt” đọc lên gần giống với từ “may mắn”.
Những trái cam và quýt trong nhà sẽ càng có lộc nếu có lá đi kèm, tượng trưng cho tuổi thọ lớn. Tuy nhiên khi chọn mua cần tránh những trái có 4 lá vì con số 4 được cho là tượng trưng cho cái chết.
2. Mỳ sợi dài
Theo quan niệm của người Trung, sợi mỳ càng dài tượng trưng cho cuộc sống bền lâu. Vì vậy những bát mỳ dài sợi luôn là món ăn ưa thích vào dịp năm mới.
3. Khay bánh kẹo
Khay bánh kẹo cũng là một phần rất quan trọng trong dịp lễ Tết của Trung Quốc. Mỗi gia đình sẽ tiếp đón khách ghé thăm nhà bằng một khay bánh đựng mứt quất tượng trưng cho sự giàu có, dừa cho dự đoàn tụ, nhãn để mang đến nhiều quý tử, và hạt dưa đỏ để có được hạnh phúc.
4. Nian Gao
Bánh ngọt Nian Gao của người Trung Quốc là biểu tượng cho lời chúc gặt hái được thành tựu cao trong năm mới. Chiếc bánh hấp được làm từ bột gạo dính pha cùng đường nâu và dầu. Một số nơi còn làm bánh với hạt vừng trắng, quả chà là đỏ hoặc nhiều loại hạt khác nhau cho bánh thêm đặc biệt.
5. Bưởi
Quả bưởi to tròn được cho là mang đến quyền lực và giàu có theo quan niệm của người Trung Quốc. Quan niệm này cũng được xuất phát từ sự tương đồng trong cách gọi tên giữa chữ 'bưởi' trong tiếng Quảng Đông với cụm từ 'giàu có' và 'vị thế'.
6. Jai
Jai là món chay không thể thiếu trong dịp Tết ở Trung Quốc, được dùng để thanh lọc cơ thể với các thành phần rau xanh có trong món ăn. Món thường được chế biến từ rêu biển (tượng trưng cho của cải), hạt sen (con đàn cháu đống), mỳ sợi (sống lâu trăm tuổi), chồi hoa ly (hôn nhân hòa hợp), nấm đen Trung Quốc (ước muốn toại nguyện) và nhiều nguyên liệu khác.
7. Rau lá dài và đậu hạt dài
Độ dài của rau và đậu cũng được cho là tượng trưng cho tuổi thọ của con người. Vì vậy, những loại rau xanh có lá dài và đậu hạt dài cũng rất được ưa thích trong dịp lễ Tết.
8. Cá nguyên con
Trong tiếng Trung Quốc, từ cá đồng nghĩa với sự dư dật. Bởi lẽ đó những món cá để nguyên đầu và đuôi là một phần không thể thiếu trong các mâm cỗ Tết để có được một khởi đầu và kết thúc tốt đẹp, đồng thời tránh mọi tai họa trong năm mới.
9. Đồ ngọt
Người Trung Quốc tin rằng mời khách ăn đồ ngọt trong năm mới cũng giống như việc mang đến sự ngọt ngào cho người ăn. Đó là lý do những bàn khách vào dịp Tết tại quốc gia này luôn tràn ngập những chiếc bánh quy ngọt, dừa khô hay hạt vừng.
10. Sủi cảo
Vào dịp Tết, các gia đình Trung Quốc thường quây quần bên nhau để nhào bột và nặn sủi cảo nhân thịt, bắp cải rồi đem hấp để cho ra những chiếc bánh nóng hổi ăn cùng với giấm và xì dầu. Những chiếc sủi cảo cũng được gói thành hình đồng bạc ngày xưa để mang đến sự giàu có cho gia đình.
(Theo Emdep.vn)