Chụp ảnh phong cảnh thì cần có ống kính góc rộng, đây là điều cơ bản mà ai khi khởi đầu cũng đều phải biết. Thế nhưng sử dụng ống kính góc rộng (wide) hoặc thậm chí là siêu rộng không phải là điều dễ dàng, vậy phải làm sao để có thể sáng tạo được những bức ảnh đẹp với những loại ống kính này? Nhiếp ảnh gia Albert Dros đến từ Hà Lan đã liệt kê ra 10 mẹo cần nhớ và đây sẽ là kinh nghiệm vô cùng hữu ích cho các bạn khi muốn bước vào con đường chụp ảnh phong cảnh.
1. Nhìn mọi thứ qua camera
Cần nhớ rằng, những loại ống kính này sẽ có góc rộng hơn mắt người của chúng ta rất nhiều. Bạn không thể cứ đứng nhìn phong cảnh bằng mắt trần mãi và bố cục được. Thay vào đó, hãy nhìn vào viewfinder hoặc màn hình của máy ảnh, quan sát và kiểm soát bố cục cùng hiệu ứng từ bức ảnh mà bạn sắp sửa tạo ra. Lưu ý tiền cảnh đóng vai trò vô cùng quan trọng khi sử dụng ống kính wide, bởi những vật thể dù rất nhỏ như viên đá hoặc cây cỏ cũng có thể bị phóng to ra hơn so với hậu cảnh phía sau trong bức ảnh của bạn.
2. Luôn để ý đến các chi tiết nhỏ
Khi thấy những cảnh đẹp hùng vĩ, chúng ta thường có xu hướng bị chúng thu hút quá nhiều và không quan tâm đến những yếu tố khác xung quanh. Hãy tập bình tĩnh và nhẫn nại, tìm những chi tiết hoặc các vật thể nhỏ để có thể đưa vào khung ảnh, tác phẩm của bạn sẽ trông ấn tượng hơn.
3. Khép khẩu
Nên thiết lập ống kính được khép khẩu sâu, khoảng từ F/14 cho đến F/16 để có độ nét nhiều nhất có thể. Điều này đặc biệt quan trọng nếu ống kính đang gần với vật thể tiền cảnh, và nhớ rằng đừng khép quá nhiều đến F/18 hay F/22, nó sẽ khiến chất lượng ảnh bị giảm đi.
4. Sử dụng thủ thuật Focus Stacking
Focus Stacking là thủ thuật lấy nét chồng, tức chụp nhiều bức ảnh ở những khoảng/điểm lấy nét khác nhau, sau đó ghép chúng lại bằng Photoshop để cho thành phẩm cuối cùng được độ nét cao nhất.
5. Thử nghiệm với nhiều khoảng cách khác nhau
Nhớ rằng, khi sử dụng ống kính siêu rộng, nó có thể thu trọn rất nhiều thứ vào trong khung ảnh của bạn, và đôi khi đó lại là vấn đề phiền phức. Vì vậy, hãy thử chụp với nhiều khoảng cách khác nhau, ví dụ như bạn đang leo núi để tìm các góc chụp trên cao, bạn có thể chụp ở nhiều khoảng cách/vị trí khác nhau trên đường leo lên, cách này sẽ giúp bạn thấy được sự khác biệt cũng như hiệu ứng của tiền cảnh lẫn hậu cảnh ở mỗi vị trí mình đứng. Nói cách khác, đừng bao giờ đứng yên một chỗ chỉ để chụp 1 góc duy nhất.
6. Hạ thấp máy xuống
Những đường dẫn nhỏ hoặc thậm chí là các vật thể ở phía dưới đất sẽ trông to ra hơn khi bạn đặt máy xuống thấp dưới mặt đất, đó là hiệu ứng mà bạn có thể có được với ống kính góc rộng, hãy tận dụng nó để sáng tạo cho tác phẩm của mình.
7. Chụp ở độ cao khác nhau
Độ cao của máy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến góc nhìn khi sử dụng ống kính wide. Hãy thử trải nghiệm chụp một cảnh nhưng với nhiều độ cao khác nhau, bạn sẽ có được những lựa chọn thú vị đấy.
8. Tìm những góc ảnh lạ
Cũng giống như số 6 và 7 ở trên, chỉ với một chút thay đổi như vị trí đặt máy, góc nghiêng hay xoay góc máy cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả trên ảnh. "Khi có một cảnh đẹp, tôi thường bỏ thời gian đi quanh chủ thể dể tìm ra những vị trí thích hợp nhất tạo nên góc ảnh tốt", Albert Dros chia sẻ.
9. Dùng yếu tố méo góc (distortion) làm thế mạnh
Sử dụng ống kính góc rộng rất dễ làm các khung cảnh bị bóp méo, chẳng hạn như bầu trời, mây... cũng không còn "thật" như khi bạn nhìn bằng mắt trần. Một số người sẽ không thích điều này, nhưng với ảnh phong cảnh, hãy dùng nó như một thế mạnh, đừng áp dụng quy tắc bố cục 3/4, thay vào đó hãy chia bố cục một nửa (tức nửa phía trên bầu trời và nửa phía dưới là mặt đất) rồi tự mình trải nghiệm hiệu ứng.
10. Luôn để ý đến các góc
Hãy luôn để ý đến các góc trong khung ảnh, đặc biệt là 2 góc phía dưới. Cố gắng để vật thể hoặc đường dẫn nằm gần các góc ảnh, điều này sẽ giúp người xem chú tâm vào đúng chủ thể trong ảnh hơn.
Theo GenK