10 KHOẢNH KHẮC ĐỂ THẤY THÊM YÊU HÀ NỘI

Cây bàng từ lâu đã gắn bó rất mật thiết với đời sống người Hà Nội. Theo quy hoạch từ thời Pháp thuộc, bàng, xà cừ và sấu được trồng và tạo cảnh quan chính cho hệ thống phố cổ, khu phố biệt thự ở quận Hoàn Kiếm. 

"Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ/Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu" là hai câu mở đầu mà hầu như ai cũng thuộc trong bài hát "Nhớ mùa thu Hà Nội" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhờ đó mà cây bàng ở Hà Nội khi lá chuyển màu luôn để lại trong lòng người nhiều cảm xúc hơn cả. Ảnh: Phạm Quốc Dũng

Hà Nội có rất nhiều nét đặc biệt, riêng biệt không nơi nào có được, từ tiết trời đông, thu, hạ hay thậm chí là mùa xuân, vào thời điểm nào Hà Nội cũng ẩn chứa vẻ đẹp rất khác. Ảnh: Vũ Minh Quân

Một trong những điểm du khách nơi xa đến thích đi dạo là các tuyến phố cổ. Vào buổi chiều khi nắng nhẹ dần và trở nên vàng óng, được ngồi vỉa hè nhâm nhi ly cà phê và thưởng ngoạn không khí thanh bình của Thủ đô luôn là điều tuyệt vời đối với nhiều người yêu Hà Nội. Ảnh: Giang Trịnh.

Mùa đông thi vị nhất vào mỗi buổi sáng thức dậy hoặc những khi chiều về. Nhiệt độ xuống thấp, nhìn ra ngoài trời thấy bàng bạc một màu trắng, gió thổi những chiếc lá rụng vàng sẫm lăn loẹt xoẹt trên đường. Càng lúc dòng người đi lại càng có vẻ vội vã hơn như để chạy trốn cái lạnh luồn qua lần áo chưa thật dày, ấm. Ảnh: Phạm Quốc Dũng.

Hà Nội có rất nhiều hàng kinh doanh cà phê với các phong cách bài trí và phục vụ khác nhau. Có một quán nằm trong ngõ nhỏ, căn nhà cũ trên mặt phố Đinh Tiên Hoàng có từ năm 1987. Khách tới đây phải trèo hai lần cầu thang mới tới rồi chen ngồi ở trong căn phòng nhỏ chừng 20m2, phía ngoài có duy nhất một góc ban công nhỏ chỉ kê vừa bộ bàn ghế xinh xinh dành cho hai người. Ấy vậy mà địa chỉ này luôn đông đúc bạn trẻ. Nhiều người nói, đó chính là nét đặc trưng của Thủ đô hiếm nơi nào có được. Ảnh: Hiếu Trần.

"Dọn chút lá cho mùa Thu thay áo.
Nhuộm một đời vàng những đam mê.
Bao nhọc nhằn hằn trên lưng Mẹ.
Nỗi ưu tư phủ trắng mái đầu Cha.
Mỗi căn nhà nơi bậc thềm xanh lá,
Ta bên nhau trong tất cả tình yêu.
Bao hoài vọng dọc về theo phố cũ".

Những lời trong bài hát "Mùa lá rụng" của nhạc sĩ Trọng Đài đã lột tả hết những gì lãng mạn nhất của phố phường Hà Nội thời điểm chuyển giao giữa hai mùa Thu, Đông. Ảnh: Vũ Minh Quân.

Tại các ngõ ngách ở nhiều con phố cổ, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bậc trung niên và người cao tuổi ngồi uống trà đá hoặc chơi cờ. Khoảnh khắc đó đậm nét Hà Nội hơn khi xung quanh họ là những ô cửa ngôi nhà cổ cùng các vệt ánh sáng nhạt chiếu xuống những mảng tường rêu phong, bong tróc. Ảnh: Vũ Minh Quân.

Nói đến Hà Nội phải nói đến ẩm thực đường phố. Ngoài những món ăn đã thành thương hiệu như bún ốc, bún chả, bún thang phải kể đến các loại quà vặt như cốm, sấu chín, bánh chả, kẹo lạc, nước chè... Các quán bún ốc nổi tiếng Thủ đô thường gắn với tên chủ quán là nữ giới như bún ốc cô Huệ, cô Lan, cô Thủy, cô Béo, bà Lương... Ảnh: Vũ Minh Quân.

Mưa mùa thu Hà Nội không ồn ào, xối xả như mưa mùa hạ. Nó đến bất chợt rồi đi cũng rất nhanh. Mưa Hà Nội xuất hiện trong rất nhiều bài thơ, câu hát, là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ khi sáng tác về những nét đặc biệt của Thủ đô. Ảnh: Giang Trịnh.

Những người từ nơi xa đến Hà Nội để học tập, sinh sống thường thích nơi đây bởi sự náo nhiệt mở ra bao ước mơ hoài bão mà quê nhà không đáp ứng được. Họ thích phố xá tấp nập đông vui, thích các hàng quán, những điểm vui chơi công cộng, thích giọng nói nhẹ và ngọt của người Hà thành và quan trọng nhất cũng cảm nắng với quá nhiều điều đặc biệt của mảnh đất này. Ảnh: Phạm Quốc Dũng.