- Xây dựng một chính phủ kiến tạo, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp..., lần đầu tiên số doanh nghiệp mới thành lập vượt 100.000, cùng những biến động giá vàng, USD cho đến khủng hoảng nước mắm… là những điểm nóng của kinh tế Việt Nam năm 2016.  

Chính phủ kiến tạo và tinh thần khởi nghiệp

Tại phiên họp thường kỳ đầu tiên của Chính phủ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã định hướng xây dựng một "Chính phủ kiến tạo, phục vụ; liêm chính, minh bạch, hiệu quả và nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí". Và thông điệp này đã lập tức đi vào thực tiễn khi Thủ tướng chỉ đạo xử lý những sai phạm vụ "Cà phê Xin Chào".

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chính phủ cũng quyết liệt trong việc cắt bỏ giấy phép con trái luật, sửa đổi những điều kiện kinh doanh không phù hợp, chồng chéo, gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh của DN. 

Những động thái đó đã tạo được niềm tin trong cộng đồng DN, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp chưa từng có. Kết quả, năm 2016, đã có 110.100 doanh nghiệp khai sinh - một kỷ lục mới, với số vốn cam kết đưa vào thị trường là trên 891.000 tỷ đồng.

Thu ngân sách đến thời điểm này đạt 100,7% dự toán, dự tính đến hết năm vượt khoảng 70.000 tỷ đồng. Đáng nói, thu ngân sách không còn dựa nhiều vào những nguồn lực truyền thống như dầu thô, khoáng sản… dần chuyển hướng sang những thế mạnh mới như thông tin - truyền thông. Chỉ riêng lĩnh vực thông tin - truyền thông, tổng doanh thu phát sinh toàn ngành năm 2016 ước đạt 1.337.857 tỷ đồng (ước tốc độ tăng trưởng đạt 9,36% so với năm 2015, cao hơn so với mục tiêu tăng GDP cả nước năm 2016 là 6,7%). Tổng nộp ngân sách nhà nước toàn ngành ước đạt 145.915 tỷ đồng (ước đạt 109,06% so với kế hoạch năm) và đóng góp khoảng 14,38% vào tổng thu NSNN 2016.

Xem chi tiết: Chính phủ kiến tạo và tinh thần khởi nghiệp

Ô nhiễm môi trường, bài toán tăng trưởng kinh tế

2016 được coi là năm của các “sự kiện” nóng về môi trường. Đầu tiên là sự cố Formosa Hà Tĩnh xả thải ra môi trường làm ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung.

Ngoài ra, còn có dự án giấy Lee&Man ở Hậu Giang. Rồi đến chuyện Bình Thuận muốn cắt hơn 1.000ha khu bảo tồn biển Hòn Cau để “nhường” cho trung tâm nhiệt điện tỷ đô Vĩnh Tân… gây ra nhiều lo ngại.

{keywords}

Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế.

Năm 2016 liên tiếp nhiều siêu dự án có số vốn “khổng lồ” được các DN đề xuất đã dấy lên những tranh luận và lo ngại về môi trường. Đó là siêu dự án giao thông thủy điện sông Hồng với vốn đầu tư dự kiến lên tới 1,1 tỷ USD, là dự án thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: "Kiên quyết không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt”.

Xem chi tiết: Ô nhiễm môi trường và bài toán tăng trưởng kinh tế

Lại thêm ‘cuộc cách mạng’ về giấy phép con

Để cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ chỉ đạo sát sao là cắt bỏ các điều kiện kinh doanh, giấy phép con trái luật. 

Theo đó, tất cả các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh trái luật phải bị bãi bỏ hoặc nâng lên thành nghị định trước 1/7/2016. Con số giấy phép con ước tính lên đến 7.000, trong đó hơn một nửa là không đủ căn cứ pháp lý để tồn tại. 

{keywords}

Nhiều loại giấy phép con bị cắt bỏ.

Đến nay, nhiều giấy phép con trái luật đã bị bãi bỏ, nhưng nhiều giấy phép con khác vẫn còn duy trì với các quan điểm trái ngược nhau.

Đợt rà soát Luật Sửa đổi một số điều của các luật liên quan đến điều kiện kinh doanh (một luật sửa nhiều luật) cũng vấp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Từ chỗ sửa 12 luật, Chính phủ rút xuống còn sửa 3 luật. Cuối cùng, khi ra đến Quốc hội, chỉ sửa đổi phụ lục 4 của Luật Đầu tư 2014, với 267 ngành nghề thuộc diện kinh doanh có điều kiện giảm còn 243 ngành nghề.

Xem chi tiết: ‘Cuộc cách mạng’ thứ hai về cắt bỏ giấy phép con

Lộ diện loạt dự án ngàn tỷ thua lỗ 

Nhiều dự án ngàn tỷ kém hiệu quả lần lượt được phát giác và đồng loạt bị đặt lên bàn Quốc hội, Chính phủ, bị yêu cầu truy rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng thua lỗ, nợ nần. Trong số 12 dự án thua lỗ nặng nề, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) có 4 dự án, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 5 dự án, Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) 2 dự án.

{keywords}

Hàng loạt dự án làm ăn thua lỗ .

5 dự án nghìn tỷ bị nêu tên đợt 1 là: Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và Nhà máy Đạm Ninh Bình.

7 dự án mới được bổ sung là đạm Hà Bắc, đạm DAP Lào Cai, DAP Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai.

Xem chi tiết: Lộ diện loạt dự án ngàn tỷ thua lỗ

Thị trường vốn bùng nổ: DN tỷ đô, tỷ phú đô la mới

Chưa năm nào, thị trường chứng khoán (TTCK) lại bùng nổ một cách thực chất như 2016. Đó là sự quyết tâm, nỗ lực để thoái vốn nhà nước tại hàng loạt DN lớn và đưa các cổ phiếu “gà đẻ trứng vàng” lên sàn chứng khoán như Vinamilk, Sabeco, Habeco... Cùng với đó, tên tuổi những doanh nhân mới tài sản ngàn tỷ, tỷ phú đô la cũng liên tục xuất hiện.

Theo kế hoạch, Bộ Tài chính sẽ có giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, thoái vốn doanh nghiệp lớn, nới 'room' cho nhà đầu tư nước ngoài và áp dụng quản trị công ty theo thông lệ quốc tế. TTCK phái sinh dự kiến và hợp nhất hai sàn cũng sẽ được triển khai trong năm 2017.

{keywords}

Thị trường chứng khoán được quan tâm.

Hàng loạt thay đổi mang tính đột phá sẽ giúp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản trên thị trường, thúc đẩy quá trình thị trường vốn Việt Nam. Tính tới 11/2016, có hơn 1.000 DN niêm yết trên TTCK Việt Nam với vốn huy động đạt hơn 2 triệu tỷ đồng. Vốn hóa đạt 42% GDP.

Xem chi tiết: Thị trường vốn bứt phá

Nước mắm truyền thống gặp khủng hoảng

Nước mắm gặp khủng hoảng khi Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả kiểm nghiệm cho thấy: 67% mẫu nước mắm kiểm nghiệm phát hiện có hàm lượng asen vượt ngưỡng tối đa cho phép. Đáng lưu ý, đây hầu hết đều là nước mắm truyền thống có độ đạm cao. 

{keywords}

Nước mắm truyền thống lao đao vì sự cố truyền thông

Thông tin này lập tức lan tỏa, khiến dư luận xã hội xôn xao. Nước mắm truyền thống và ngư dân đã bị ảnh hưởng. Nhờ sự lên tiếng của các hiệp hội, các DN sản xuất nước mắm và các bộ, ngành đồng loạt vào cuộc, cuối cùng, nước mắm truyền thống đã được giải oan. 

Có điều, hàng loạt nghi vấn được đặt ra, rằng Vinastas làm vậy với mục đích gì? Ai đứng sau giật dây? Ai được hưởng lợi khi mắm truyền thống bị tẩy chay?... 

Kể cả khi cơ quan chức năng công bố Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy là đơn vị đứng sau tài trợ cho nghiên cứu này thì đến giờ, ai mới thực sự là đơn vị “chống lưng” cho Vinastas vẫn là ẩn số.

Xem chi tiết: Nước mắm truyền thống gặp khủng hoảng

Vàng, USD biến động mạnh

Giá vàng trong hơn nửa đầu năm 2016 ghi nhận mức tăng lớn nhất trong hàng chục năm qua.

Giá vàng quốc tế tăng lên mức cao nhất: 1.376 USD/ounce ghi nhận trong tuần đầu tháng 7/2016. Tuy nhiên, vàng đã giảm giá xuống và ở dưới ngưỡng 1.200 USD/ounce kể từ cuối tháng 11.

Trong nước, thị trường vàng trầm lắng vào nửa đầu năm, chỉ sôi động vào ngày Thần Tài (mùng 10 Tết Âm lịch) và sốt giá sau cú sốc người dân nước Anh chọn rời Liên minh châu Âu EU (Brexit) hồi cuối tháng 6. Giá vàng trong nước lên gần 40 triệu đồng/lượng hồi đầu tháng 7 rồi nhanh chóng lao dốc. Thị trường vàng ảm đạm từ đó đến cuối năm. 

{keywords}

Vàng và USD trải qua một năm nhiều biến động.

Đồng USD trên thị trường trong nước ổn định, chỉ tăng trở lại từ giữa tháng 11, sau khi Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ. Khi đó, USD thế giới tăng lên mức cao nhất 13 năm. Tại Việt Nam, có thời điểm USD tự do tăng lên 23.400 đồng/USD và USD tại ngân hàng lên 22.770 đồng/USD, nhưng sau đó cũng hạ nhiệt và ổn định trở lại.

Xem chi tiết: Vàng, USD biến động mạnh

Thiên tai tàn phá ngành nông nghiệp

2016 là một năm gian khó đối với ngành nông nghiệp. Đầu năm, trận rét đậm, rét hại lịch sử 60 năm xảy ra ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Tiếp đó là đợt hạn lịch sử tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên; hạn, mặn lịch sử trong vòng 100 năm ở ĐBSCL. Lần đầu tiên, 10/13 tỉnh ĐBSCL đồng loạt công bố thiên tai hạn mặn.

Ở chiều ngược lại, từ đầu tháng 10/2016 đến nay, liên tục 8 tỉnh Nam Trung bộ hứng chịu 5 đợt mưa lũ lịch sử. 

{keywords}

Thiên tai ảnh hưởng nghiêm trọng tới nông nghiệp.

Chỉ riêng đợt hạn, mặn trong những tháng đầu năm đã làm 300.000ha lúa bị thiệt hại 30-80% năng suất, nhiều diện tích mất trắng. Nam Trung bộ có những vùng 3 năm liền không sản xuất được. Tây Nguyên có trên 100.000ha cây công nghiệp bị tổn thương do hạn nghiêm trọng.

Vì vậy, sau nhiều năm, lần đầu tiên, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm (giảm 0,18%) trong 6 tháng năm 2016. Hàng loạt mặt hàng chủ lực, vốn là thế mạnh xuất khẩu như lúa gạo, cà phê, cao su, tôm,... sụt giảm cả về số lượng và giá trị. 

Xem chi tiết: Thiên tai tàn phá ngành nông nghiệp

Gói 30.000 tỷ kết thúc

Gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội và nhà thu nhập thấp chính thức kết thúc cuối 2016. 

Sau 3 năm triển khai, gói hỗ trợ đã tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với thị trường BĐS. Lượng giao dịch ngày càng tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp. Cơ cấu sản phẩm nhà ở đã từng bước được điều chỉnh theo hướng phù hợp với khả năng thanh toán của khách hàng.

{keywords}

Kết thúc gói 30.000 tỷ đồng gây nhiều tranh cãi.

Việc kết thúc gói vay ưu đãi này đã để lại cho thị trường không ít nuối tiếc khi nhiều dự án còn dang dở. Sắp tới đây, gói vay ưu đãi mới dành cho nhà ở xã hội sẽ tiếp tục được triển khai.

Xem chi tiết: Gói 30.000 tỷ kết thúc

Cơn sốt xổ số điện toán: 8 người bỗng thành "tỷ phú" 

Chỉ 3 tháng cuối năm 2016, cơn sốt xổ số điện toán với các vụ trúng số độc đắc dày đặc, lên tới cả trăm tỷ, đã gây xáo động toàn thị trường.

Tính đến 25/12, tức trong 2 tháng 9 ngày, đã có 8 người trúng giải Jackpot (giải đặc biệt) với tổng trị giá tiền thưởng là 566 tỷ đồng. Người trúng số tiền lớn nhất là 92 tỷ đồng đến từ Trà Vinh và thấp nhất cũng hơn 54 tỷ đồng là người đến từ TP.HCM. 

{keywords}

Tỷ phú đeo mặt nạ nhận giải thưởng.

Vì sức hấp dẫn trên nên trước đó, Công ty Xổ số Điện toán Vietlott đã bị Hội đồng Xổ số kiến thiết miền Nam kiến nghị có nhiều biểu hiện vi phạm trong công tác bán. 

Cũng vì các vụ trả thưởng đều diễn ra bí mật, người nhận giải giấu tên và đeo mặt nạ do số tiền trúng quá lớn nên Vietlott cũng bị nghi ngờ về độ xác thực của việc trúng giải.

VietNamNet