|
Huy chương vàng của thể thao điện tử tại AIG 3. Ảnh: Vi Khoa |
1. Thành công của game thủ thể thao điện tử
Năm 2009, được xem là năm thành công vang dội của những game thủ thuộc lĩnh vực thể thao điện tử khi Tô Trung Hiếu và StarsBoba lần lượt giành chức vô địch tại World Cyber Games châu Á ở bộ môn FIFA và Dota Allstars. Nhưng quan trọng nhất là thành tích của những game thủ chơi game này ở Đại hội Thể thao châu Á trong nhà năm 2009 (Asean Indoor Games 2009) được tổ chức tại Việt Nam. Ở tất cả các bộ môn tham gia các game thủ đều giành được huy chương và đỉnh cao là huy chương vàng ở bộ môn Dota Allstars của StarsBoba, góp phần không nhỏ vào thành tích chung của thể thao nước nhà. Đồng thời mở ra một cái nhìn mới cho những game thuộc thể loại này tại Việt Nam.
2. Ra mắt game bản quyền Việt đầu tiên
Sau hai năm phát triển thì dự án game online Việt đầu tiên của VinaGame với tên gọi T812 đã thành công. Game online bản quyền Việt đầu tiên mang tên Thuận Thiên Kiếm chính thức ra mắt game thủ trong nước vào ngày 12/8. Trong đợt thử nghiệm lần một máy chủ game đã liên tục quá tải trong thời gian dài, hiện nay game vẫn trong giai đoạn thử nghiệm lần 2. Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, cũng như game thủ đang chơi game này, Thuận Thiên Kiếm có thể sánh ngang được với các game 2D và 2,5D của nước ngoài đang có mặt trên thị trường Việt Nam.
Sự ra mắt của Thuận Thiên Kiếm cũng mở đầu cho việc phát triển game online bản quyền Việt tại Việt Nam và trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án game Việt nữa được ra mắt. Cụ thể là dự án game bắn súng của VTC Game, một dự án game 3D nữa của VinaGame và FPT Online cũng đang đầu tư phát triển game online tại Việt Nam.
3. Tranh cãi xung quanh bản quyền phát hành game Audition
Đã có một cuộc tranh cãi lớn về bản quyền phát hànhgame Audition trong năm 2009, khi VinaGame tuyên bố đã giành bản quyền phát hành game này tại Việt Nam trong các năm tới, ở thời điểm mà VTC Game vẫn đang vận hành game tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, mọi chuyện cuối cùng đã được giải quyết một cách êm thấm và VTC Game vẫn tiếp tục phát hành game này tại thị trường trong nước ở thời gian tới.
4. Game hàng đầu thế giới về Việt Nam chưa thành công
Atlantica, Granado Espada và twelvesky 2, là những game thuộc vào loại hàng đầu thế giới khi luôn ở vị trí cao nhất trên các bảng xếp hạng về game hay. Thế nhưng khi về Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên đến thời điểm hiện nay tất cả đều chưa thành công như mong đợi.
5. Bùng nổ webgame
Ở thời điểm đầu và cuối năm 2009, webgame được các nhà phát hành ồ ạt nhập về phát hành tại thị trường trong nước đã tạo nên làn sóng mới cho game online. Các webgame được nhập về gồm nhiều thể loại và gameplay khác nhau đã thu hút được một lượng game thủ rất lớn, đồng thời làm cho thị trường game Việt Nam trở nên đa dạng hơn.
6. Cơn sốt Kiếm Thế
Trải qua 5 năm game online Việt Nam, sau cơn sốt Võ Lâm Truyền Kỳ 1, thì phải đến 2009 mới có một game online khác khuynh đảo được thị trường game online trong nước, đó chính là Kiếm Thế. Chỉ trong tuần đầu tiên ra mắt CCU của game đã chạm ngưỡng 80.000 người chơi và đến 26/10 con số này đã lên 200.000 người chơi cùng online một lúc. Tuy nhiên, mặc dù thành công nhưng game cũng đã gặp một số trục trặc khi liên tục bị nghẽn máy chủ khiến cho game thủ đăng nhập vào rất khó.
7. Tài khoản ảo vẫn chưa được bảo hộ
Hàng loạt các cuộc giao dịch tài sản ảo có giá trị lên đến hàng tỷ đồng vẫn diễn ra trong game online năm 2009. Số công ty kinh doanh lĩnh vực này xuất hiện ngày càng nhiều và hoạt động rất đa dạng. Thế nhưng, điều cần thiết nhất là văn bản quản lý cho lĩnh vực này vẫn chưa có, các cuộc giao dịch tiền tỷ vẫn chỉ là trao tay và dựa vào uy tín là chính. Các nhà phát hành cũng vẫn giữ quan điểm là không công nhận tài sản ảo trong game online do mình phát hành.
8. Game thủ bỏ tiền tỷ để được vinh danh “ảo”
Thiên Hạ Đệ Nhất Bang, giải đấu game online lớn nhất trong nước hiện nay, với mục đích vinh danh bang hội trong game Võ Lâm Truyền Kỳ 1, đã trở thành một sân chơi cho các game thủ “đại gia” quăng hàng tỷ đồng vào nhằm chạy theo danh vọng “ảo” của mình. Chỉ tính riêng giải đấu Thiên Hạ Đệ Nhất Bang 5 và 6 trong năm 2009, có bang hội đã bỏ số tiền cho 2 giải đấu lên đến hàng trăm tỉ đồng. Trong đó theo các game thủ đang chơi game này cho biết, bang hội Châu Giang ở Hà Nội và Vu Sơn ở TP.HCM được xem là hai bang hội bỏ tiền vào đầu tư cho giải đấu nhiều nhất.
9. Bội thực game online
Tính riêng số game online được các nhà phát hành đem về trong năm 2009, nhiều người sẽ giật mình khi nó chiếm gần một nửa số game online đang phát hành tại Việt Nam từ trước đến nay. Tuy nhiên, mặc dù chiếm số lượng nhiều nhưng chất lượng của game online vẫn “vàng thau lẫn lộn”. Bên cạnh đó lượng game thủ cũng đã bão hòa nên phần lớn các nhà phát hành đều chưa thành công với game online do mình cung cấp.
10. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo về quản lý game online
Trước việc Thông tư 60 về quản lý trò chơi trực tuyến có nhiều điểm không còn phù hợp. Tháng 2/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo về “Sự phát triển của dịch vụ trò chơi trực tuyến tại Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý”. Tại hội thảo này hàng loạt cá vấn đề “nóng” về game online như tài sản ảo, quản lý giờ chơi, mặt tích cực và tiêu cực của game online… đã được tranh luận rất nhiều. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết, Bộ đang đề xuất lấy ý kiến từ doanh nghiệp kinh doanh game online và các cơ quan chức năng để đưa ra một văn bản luật có tính khả thi cao hơn Thông tư 60, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh game online có cơ hội để phát triển. Cũng như, để có thể theo kịp về mặt quản lý đối với sự phát triển của game online và hạn chế đến mức thấp nhất các mặt tiêu cực xã hội do game online đưa đến.