Làm tất cả các biện pháp có thể để có được vắc xin
Trong 10 điểm sáng, Thủ tướng nêu rõ, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đẩy nhanh ngoại giao và tiến trình tiêm vắc xin; điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, ban hành các gói hỗ trợ, tạo điều kiện khôi phục kinh tế - xã hội.
Đến nay, Chính phủ đã điều chỉnh sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128; tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội theo tinh thần kết luận của Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Điểm sáng nữa là tăng trưởng GDP phục hồi trong quý 4 ước tăng 5,22% so với cùng kỳ, là mức đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động KTXH. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm. CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84%, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm.
“Kết quả tích cực này đã khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn giá cả trong bối cảnh giá cả hàng hóa và nguyên, nhiên vật liệu toàn cầu tăng mạnh trong năm 2021”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có nhiều biến động cũng là điểm nổi bất. Vốn FDI đăng ký ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.
“Trong tháng 8, 9, Chính phủ nhận được các kiến nghị hằng ngày của các nhà đầu tư. Qua 10 cuộc đối thoại liên tục của Thủ tướng Chính phủ, họ nhận thấy sự cầu thị, lắng nghe của Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu của họ trong điều kiện rất khó khăn. Đồng thời chúng ta cũng rất minh bạch, thể hiện chính kiến, bản lĩnh trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, người đứng đầu Chính phủ cho hay.
Bên cạnh đó, xuất khẩu là điểm sáng với kim ngạch XNK vượt 668 tỷ USD, tăng 22,6%; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Một điểm sáng trong năm qua phải kể đến là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều tiến bộ vượt bậc, dù so với mong muốn, yêu cầu thì chưa đạt được.
Theo báo cáo của một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) và xếp hạng 14/50 trong khu vực châu Á về quy mô kinh tế internet.
Kinh tế internet Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD năm 2021 (khoảng 5,8% GDP năm 2021), tăng 31% so với năm 2020. Về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á (sau Indonesia và Singapore) về thu hút vốn đầu tư vào Fintech, chiếm 11% tổng số vốn của khu vực, đạt khoảng 4 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2020)...
Phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được chú trọng. Trong năm đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742 nghìn lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
“Những năm trước, mỗi năm, bình thường chúng ta cố gắng làm an sinh xã hội nhiều nhất cho 1 triệu người, đã thấy khó khăn. Năm nay chúng ta tổ chức lo an sinh xã hội cho 42,8 triệu người trong thời gian kéo dài với khối lượng công việc rất gấp rút, đường dài, tốc độ phải nhanh. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị”, Thủ tướng phân tích.
Cùng với đó là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được thực hiện quyết liệt. “Trong các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng luôn nhấn mạnh yêu cầu phải chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong phòng chống dịch. Với các vụ án tiêu cực, tham nhũng trong phòng chống dịch, dứt khoát phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Một điểm sáng không thể thiếu nữa là tình hình chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó chiến lược ngoại giao vắc xin giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng tại Việt Nam.
“Chúng ta đã làm tất cả các biện pháp có thể để có được vắc xin tiêm miễn phí cho người dân. Điều này đã giúp Việt Nam tự tin thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, thay đổi căn bản Chiến lược phòng chống dịch, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội từ quý 4/2021”, Thủ tướng nói.
Muốn mở cửa không còn cách nào khác là phải tiêm vắc xin thần tốc
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ 5 rủi ro từ bên ngoài trong năm 2021- 2022. Trong đó, dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến rất phức tạp, tiếp cận vắc xin không đồng đều, dẫn đến kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, bất bình đẳng gia tăng...
Cùng với đó là sức ép giá cả, lạm phát ở mức cao, một số nước bắt đầu thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất - đây là vấn đề Việt Nam chúng ta cần hết sức lưu tâm.
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc |
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu 6 khó khăn, thách thức chính từ nội tại, trong đó có áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng; hoạt động của DN còn nhiều khó khăn; rủi ro nợ xấu gia tăng, đòi hỏi quyết sách rất khôn khéo năm nay...
Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ chủ đề năm 2022: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý, căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là chính, ngoại lực là cần thiết, quan trọng; phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo người đứng đầu Chính phủ, phòng chống dịch phải an toàn, linh hoạt, hiệu quả thì mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, vắc xin là hết sức quan trọng.
“Muốn mở cửa, khôi phục các hoạt động bình thường thì không còn cách nào khác là phải tiêm vắc xin thần tốc. Khi đã bao phủ được vắc xin, có các loại thuốc điều trị được cấp phép, cộng với ý thức người dân, chúng ta sẽ yên tâm mở cửa”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng hoan nghênh TP.HCM đã mạnh dạn mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội khi số ca mắc, tăng nặng và đặc biệt là số ca tử vong giảm rất sâu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Trong các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu trong năm 2022 hoàn thành phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
“Quy hoạch không thể nóng vội, phải bảo đảm công khai, minh bạch, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, không vì lợi ích cục bộ, lợi ích địa phương, lợi ích cá nhân, không chịu bất cứ một tác động tiêu cực nào. Xử lý nghiêm các tiêu cực, vi phạm”, Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đến việc kiên quyết, kiên trì và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh, toàn diện.
Các cấp, các ngành tổ chức thanh tra thường xuyên, phòng ngừa các sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Không để lợi dụng công tác phòng chống dịch để trục lợi.
“Tình hình càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải đoàn kết, thống nhất, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, chung sức chung lòng, cùng nhau phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2021”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thu Hằng - Hồng Nhì
Tổng Bí thư: Việt Nam đã thành công chiến lược vắc xin "đi sau về trước"
Đến thời điểm này, có thể khẳng định là chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vắc xin "đi sau về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.