Chiều 1/7, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) tổ chức lễ phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023 và Công bố dịch vụ xác thực điện tử từ ngày 1/7.

Tại buổi lễ, Cục C06 đã trao thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho 10 công dân thuộc nhóm: là người dưới 6 tuổi, người từ 6 tuổi trở lên và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Theo quy định của Luật Căn cước năm 2023, người dân khi làm thủ tục cấp thẻ sẽ được thu thập thông tin sinh học mống mắt, bên cạnh vân tay và ảnh khuôn mặt.

Đối với thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói, sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc...

Thông tin ADN được sử dụng để xác minh danh tính trong những hoàn cảnh éo le như thiên tai, tai nạn, hỏa hoạn, hỗ trợ nhận diện người thân... góp phần dự phòng biến cố.

W-DSC00767.jpg
Công dân được thu thập sinh trắc học mống mắt khi đi làm căn cước. Ảnh: Đình Hiếu

Đại diện Cục C06 cho biết, thẻ căn cước có giá trị tương đương thẻ căn cước công dân. Với công dân đang sử dụng thẻ căn cước công dân còn thời hạn sử dụng vẫn được sử dụng đến khi hết hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước.

Cũng theo đại diện Cục C06, Luật Căn cước giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

W-z5591410157464_23fa16888b940d9bac6feb45357a19a1 copy.jpg
Thẻ căn cước theo mẫu mới. Ảnh: Đình Hiếu
W-z5591410169957_89dfa4ebb3d51104ab3a81d3a6e1d85d copy.jpg
Giấy chứng nhận căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch. Ảnh: Đình Hiếu

Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương - Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết: Việc triển khai Luật Căn cước năm 2023 và Nghị định số 69 là một "dấu mốc" mang tính lịch sử. Việc này có tác động, ảnh hưởng, thay đổi lớn theo hướng tích cực đối với người dân và công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới, đánh dấu bước tiến lớn trong công cuộc xây dựng Chính phủ số, công dân số, thúc đẩy nền kinh tế điện tử, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông... và các văn bản quy phạm pháp luật khác cùng có hiệu lực vào ngày 1/7.

W-DSC00918.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương - Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội. Ảnh: Đình Hiếu

Theo Thiếu tướng Cương, hiện nay, công dân có thể đăng ký và sử dụng các tiện ích từ tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử (VNeID).

“Việc định danh chính xác cá nhân trên môi trường số là bước chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ, lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích chính, đặc biệt giúp cho việc minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trên môi trường điện tử", Thiếu tướng Cương cho biết.

Thống kê của Cục C06, trong ngày đầu tiên triển khai Luật Căn cước, thông qua tích hợp các dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công cư trú và theo dõi, quản trị cổng dịch vụ công, tới trưa cùng ngày đã ghi nhận hơn 12.300 hồ sơ đăng ký cấp căn cước. Công an các địa phương đã hoàn thành 126 hồ sơ trả kết quả cho người dân. Công an các địa phương đã tổ chức in 60 thẻ căn cước cho công dân từ 0 - dưới 6 tuổi, từ 6 - dưới 14 tuổi và trên 14 tuổi. Đã hoàn thiện và in 2 giấy chứng nhận căn cước và trao trả cho công dân trong ngày.

Tính tới 13 giờ cùng ngày, các địa phương đã truyền hồ sơ ra trung ương với hơn 1.700 hồ sơ. Trong đó, trẻ dưới 6 tuổi có 256 hồ sơ, trẻ từ 6 - dưới 14 tuổi có 364 hồ sơ, công dân trên 14 tuổi có 1.163 hồ sơ. Tới chiều cùng ngày, số lượng yêu cầu sinh trắc qua ứng dụng VNeID đạt hơn 21.000 lượt.