Con người là sinh vật thực sự rất mong manh. Hầu hết các cơ quan của cơ thể người không có khả năng tự tái sinh.

Con người là sinh vật thực sự rất mong manh. Hầu hết các cơ quan của cơ thể người không có khả năng tự tái sinh. Hãy tưởng tượng nếu bằng cách nào đó chúng ta có được đặc tính tái sinh các bộ phận của cơ thể, thì đó sẽ là điều kỳ diệu trong y học. Chúng ta có thể thay đổi cuộc đời của nhiều người khuyết tật. Từ lâu các nhà khoa học đã tích cực nghiên cứu về lĩnh vực tái sinh bộ phận cơ thể người. Dưới đây là 10 bộ phận cơ thể hiện có thể được thay thế hoàn toàn, nhờ công nghệ và y học.

1. Da điện tử siêu nhạy

Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể con người. Bình thường da là nơi đầu tiên bị tổn thương khi cơ thể gặp chấn thương. Zhenan Baohas, Trường đại học Stanford, đã nghiên cứu trong lĩnh vực da tổng hợp và đã thành công trong việc chế tạo một loại vật liệu siêu nhạy có thể được sử dụng thay cho các vạt da và mảnh ghép da để che phủ vùng da bị tổn thương. 

{keywords}

Nhờ sự tiến bộ của công nghệ và y học, những bộ phận như tay, chân, ngón tay, mắt... hiện đều có thể thay thế.

Loại vật liệu này sở hữu một lớp đàn hồi, khiến nó có thể co giãn. Nó có các bóng bán dẫn và các tế bào năng lượng mặt trời đàn hồi giúp duy trì hình dạng và chức năng.

2. Tim đập trong ống nghiệm

Các nhà khoa học đã nghiên cứu về tế bào gốc nhằm sản xuất các tế bào tim trong một thời gian khá dài. Mới đây họ đã có một bước đột phá khi đã có thể sản xuất được mô tim có khả năng tự đập. Nhóm các nhà khoa học Trường đại học Pittsburgh sử dụng tế bào gốc từ da như các tế bào tiền thân nguyên phát để tạo thành mô này.

3. Tay giả có khả năng cảm nhận xúc giác

Tay giả trên thị trường hiện nay có khả năng cầm nắm vật thể, nhưng không có khả năng cảm nhận đồ vật khi sờ mó. Các nhà khoa học từ Trường đại học Chicago đã đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Họ đã chế tạo được bàn tay giả có thể gửi tín hiệu điện não và cho cảm giác xúc giác. Các thí nghiệm trên khỉ cho kết quả khá tốt. Công nghệ mới sẽ sớm có mặt ở các loại tay giả nhân tạo.

4. Chân giả điều khiển bằng ý nghĩ

Chân giả thường được sử dụng bởi những người tàn tật có nhược điểm là chúng không có các kết nối thần kinh với cơ thể. Điều này khiến người sử dụng thực sự gặp khó khăn khi đi lại. Hiện nay các nhà khoa học đã có thể phát triển loại chân giả được điều khiển bằng ý nghĩ. Zac Vawter, ở Mỹ, đã trở thành người đầu tiên đã được lắp loại chân giả bionic có thể đọc các tín hiệu từ não và cử động phù hợp.

5. Não người tí hon

Các nhà khoa học Áo đã tạo ra bộ não tương tự như ở bào thai 9 tuần tuổi. Những bộ não tí hon này có kích thước của một hạt đậu. Hiện chúng chưa có khả năng suy nghĩ. Trở ngại chính trên con đường lớn lên của những bộ não này là thiếu nguồn cung cấp máu. Hẳn bạn đang tự hỏi liệu những bộ não tí hon này có ích lợi gì nếu chúng không thể suy nghĩ. Vâng, chúng sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu các bệnh lý ở não.

6. Tai in 3D

Phần vạt da lớn nhìn thấy được tạo thành tai ngoài được gọi là vành tai. Thành phần chính của vành tai là sụn. Các nhà khoa học đã đưa ra ý tưởng “in tai” với sự trợ giúp của máy in 3D. Họ đã sử dụng các tế bào của chuột và bò có khả năng sản sinh collagen. Những tế bào này phải được đặt vào “khuôn đúc” tai người được tạo ra bằng máy in 3D. Chỉ mất chưa đầy một giờ để tạo ra một cái tai như vậy.

7. Mũi ngửi được bệnh

Các nhà khoa học từ Trường đại học Illinois đã nghiên cứu chế tạo một chiếc mũi nhân tạo để nhận biết vi khuẩn từ mùi của chúng và chẩn đoán một số bệnh cụ thể. Kết quả không thực sự giống mũi về hình dạng, nhưng nó ngửi được mùi vi khuẩn và các chấm của nó sẽ đổi màu để xác định vi khuẩn.

8. Tụy nhân tạo

Tuyến tụy phục vụ mục đích là sản sinh insulin trong cơ thể. Bạn có thể hỏi người bị bệnh đái tháo đường về tầm quan trọng của cơ quan này, vì người bệnh đái tháo đường phải chăm sóc cẩn thận lượng đường trong máu bằng cách đưa insulin từ ngoài vào. Tụy nhân tạo làm cho cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường dễ dàng hơn nhiều vì nó tự động bơm insulin vào máu. Thiết bị giống như máy bơm insulin, nhưng với các tính năng bổ sung điều hòa lượng đường trong máu và mức insulin trong suốt cả ngày. Nó có khả năng điều chỉnh tự động theo mức đường huyết.

9. Mắt nhân tạo

Khi bị mù, các tín hiệu từ tế bào cảm thụ ánh sáng đến não bị mất đi. Võng mạc nằm trong mắt chịu trách nhiệm xử lý thông tin từ các tế bào cảm thụ ánh sáng đến não. Chức năng của võng mạc không còn nữa. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Weill Cornell đã tạo ra võng mạc nhân tạo sở hữu chip có thể chuyển tín hiệu điện tử thành ánh sáng. Họ đã thử nghiệm thành công trên chuột. Khả năng nhìn của những con chuột thí nghiệm được phục hồi.

10. Ngón tay lưu trữ file số hóa

Chuyên gia lập trình người Phần Lan Jalava đã chế tạo một ngón tay giả có thể lưu trữ 2 GB kỹ thuật số. Ngón tay này có thể được cắm trực tiếp vào máy tính. Toàn bộ ngón tay có thể tháo ra khỏi bàn tay. Jalava còn muốn tiến thêm một bước nữa với hỗ trợ không dây. Vì vậy, về cơ bản ngón tay này có chức năng như một ổ đĩa flash có thể được gỡ bỏ tùy thích.

BS. Cẩm Tú/SKĐS