Tâm lý của người tiêu dùng nói chung và các bà nội trợ sành sỏi nói riêng đều muốn mua cho mình và gia đình thưởng thức những thực phẩm tươi mới và ngon miệng nhất.
Nhiều người có tâm lý ngại mua hàng chợ vì sợ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm không rõ ràng, lại không được kiểm định chất lượng dễ dẫn tới tình trạng mua phải hàng kém chất lượng, trôi nổi được các chủ sạp cài cắm.
Chính vì thế, tâm lý phần đông người tiêu dùng thích mua sắm trong siêu thị, vì tư tưởng an tâm, tin tưởng hàng hóa ở đây cả về nguồn gốc và chất lượng. Vì chúng đã được kiểm định chặt chẽ, có chứng nhận và đảm bảo.
Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn chưa đúng. Siêu thị cũng sẽ có những chiêu trò để đánh lừa khách hàng, làm họ thoải mái để mua sắm nhiều hơn. Cũng có nhiều siêu thị tận dụng các sản phẩm thừa hoặc đánh tráo hạn sử dụng của các sản phẩm.
Tất tần tật những mánh khóe này sẽ được liệt kê dưới đây. Và nếu là người tiêu dùng thông thái, bạn nên cập nhật nhanh những điều này.
1. Mua nhiều chưa chắc đã là tiết kiệm
Người tiêu dùng luôn muốn mua sản phẩm với số lượng lớn để tiết kiệm tiền vì đằng nào họ cũng sẽ phải dùng. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra kỹ từng sản phẩm trước khi quyết định mua với số lượng lớn. Đôi khi một vài sản phẩm có giá bán theo thùng sẽ cao hơn là mua lẻ.
Chính vì vậy, bạn nên cẩn thận chọn lựa, nếu không dùng quá nhiều trong thời gian ngắn thì nên mua lẻ. Tránh bị lừa mua các lốc nhiều chai nhưng lại với giá thành đắt hơn.
2. Giá bán trên tờ rơi đôi khi chỉ là sự hư cấu
Mức giá niêm yết trên tờ rơi có thể khiến bạn cảm thấy cần phải mua món đồ in trên đó vì quá hấp dẫn. Tuy nhiên sự thật lại chưa chắc đã như vậy. Bạn hãy tới siêu thị kiểm tra cẩn thận vì thực tế giá bán có thể cao hơn nhiều so với giá in trên tờ rơi. Ngoài ra, đây cũng là chiêu thức thu hút khách hàng, quảng cáo nói quá mà các hãng bán lẻ hay sử dụng để câu kéo khách hàng.
3. Sử dụng nhạc chậm để giữ chân khách hàng
Một mánh khóe mà tất cả các siêu thị đều sử dụng đó là sử dụng nhạc có giai điệu chậm hơn nhịp tim. Điều này giúp khách hàng cảm thấy thư giãn, nhẹ nhàng, chậm rãi mua hàng lâu hơn tại siêu thị.
4. Rau và trái cây được bày ở phía trước là có chủ đích
Dù không phải là mặt hàng chủ lực duy nhất của siêu thị nhưng nhiều nơi vẫn lựa chọn bày chúng ở ngay phía ngoài cửa hoặc trung tâm của lối đi. Theo các chuyên gia bán lẻ phân tích, điều này giúp khách hàng cảm giác thân thiện và dễ chịu. Tâm trạng thoải mái sẽ mua sắm nhiều hơn. Đồng thời, cách làm này cũng giúp thu hút nhiều người vào mua sắm hơn.
5. Rau và trái cây được phun sương
Thông thường các loại rau củ quả khi vận chuyển tới siêu thị đã mất nước phần nào. Vì thế, hệ thống phun sương của siêu thị đã giúp chúng tươi ngon và hấp dẫn hơn. Nhưng hậu quả của việc này là các sản phẩm sẽ nhanh hỏng hơn bởi có quá nhiều nước khiến vi khuẩn sinh sôi và phát triển, đặc biệt là nấm. Ngoài ra, phun sương cũng khiến rau củ quả tăng thêm trọng lượng.
6. Những chiếc xe đẩy chứa hàng tỉ vi khuẩn
Nhiều người cũng biết các siêu thị hiếm khi lau rửa xe đẩy mà chỉ dồn chúng vào một chỗ cho gọn. Điều này khiến vi khuẩn từ tay người bám lên xe đẩy từ ngày này qua ngày khác. Thực phẩm để trong xe cũng bám vi khuẩn rất nhiều.
7. Những quầy thực phẩm ăn sẵn, salad bẩn hơn bạn nghĩ rất nhiều
Những quầy thực phẩm lộ thiên chứa rất nhiều nguy cơ mất vệ sinh vì bất cứ ai cũng chạm vào. Ngoài ra, bạn không thể biết chúng được bày bán từ bao giờ và bao lâu rồi. Và nếu không được bảo quản đúng nhiệt độ, thì khả năng bị hỏng là rất cao. Ngoài ra, rất nhiều siêu thị thường để đồ ăn qua đêm và bày bán tiếp vào ngày hôm sau.
8. Thực phẩm bị tái sử dụng
Những thực phẩm sắp hết hạn có thể được các siêu thị tận dụng làm nguyên liệu cho các món chế biến sẵn. Họ cũng có thể gửi số sản phẩm đó cho nhà sản xuất để dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm mới. Ví dụ: Hương kem sắp hết hạn, siêu thị có thể gửi tới nhãn hàng để họ tận dụng trộn để làm nên vị kem chocolate mới. Màu đen và vị chocolate mạnh sẽ át đi hương vị gốc.
9. Lượng thực phẩm bỏ đi là khổng lồ
Tâm lý khách hàng khi tới siêu thị là muốn mua đồ ở kệ có nhiều hàng và đa dạng. Nắm được tâm lý đó nhiều siêu thị thường trữ nhiều hàng hơn. Những loại rau củ quả ở bên dưới thường là loại đã hỏng sẽ vứt đi hoặc tái sử dụng vào các món ăn khác (nếu có thể).
10. Hạn sử dụng đã bị thay đổi
Thay vì lựa chọn việc đại hạ giá thực phẩm hết hạn, một số siêu thị tân trang lại cho chúng với một mã và hạn sử dụng mới. Có thể là gia hạn thêm 1 tuần. Nhiều siêu thị có thể tự in nhãn có giá và hạn sử dụng của riêng mình để tiện thay đổi.
(Theo Tổ quốc)