Giáp Tết, tiền công trả cho người kho cá thuê tại làng Đại Hoàng (Hà Nam) cao nhất lên tới 1 triệu đồng mỗi ngày. Song công việc này không đơn giản như nhiều người nghĩ.

Càng gần Tết, nhân công kho cá thuê tại làng Đại Hoàng, Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam, còn được gọi là làng Vũ Đại, lại càng khan hiếm. Thậm chí, với mức lương trả cho người kho cá là 1 triệu đồng mỗi ngày, nhiều gia đình phải chờ... xếp lịch, đặt trước mới thuê được người.

Theo anh Tuấn, người ở xã Nhân Hậu, tiền công thuê kho cá sẽ được trả theo kinh nghiệm và tay nghề. Thông thường, nếu người có kinh nghiệm, tay nghề cao, có thể đảm nhiệm các khâu quan trọng như kho, pha nước thì công là 1 triệu đồng/ngày và 500.000 đồng/nửa ngày. Người chưa thành thạo hoặc chỉ làm những việc khác được trả công 200.000-300.000 đồng/ca.

Ngoài "lương cứng", những người làm nghề này còn được chủ nhà nuôi cơm và được trả thêm tiền thưởng nếu làm tốt. Không chỉ kho cá thuê hay dọn dẹp, chuẩn bị nguyên liệu, giao hàng cũng là công việc thời vụ cho thu nhập khá tại làng Vũ Đại những ngày này. Mức lương cho nghề phụ nói trên khoảng 400.000-500.000 đồng/ca.

{keywords}
Người kho cá thuê thường là những người có tuổi đời 30–40 tuổi có kinh nghiệm kho cá.

Anh Trần Bá Luận, ở xóm 1, xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam chủ một cơ sở chuyên phục vụ cá kho Tết cho cả nước cho hay ngày thường nhà anh vẫn duy trì trên dưới 10 người để kho cá. Nhưng vào dịp Tết âm lịch, nhu cầu thị trường cao, nhiều đơn đặt hàng nên anh phải thuê thêm nhân công. Do đó, cứ vào dịp gần Tết anh Luận lại phải đi hỏi trước những người thợ kho cá có tay nghề trong làng hoặc khu vực lân cận trong xã.

Anh Luận cho biết, những người được nhờ phần lớn là người quen biết hoặc đã làm ăn với nhau nên anh không quá khó khăn trong việc tìm người làm. Có những ngày nhiều đơn đặt hàng anh phải thuê đến 40 người, hôm nào ít khách đặt hơn thì cũng phải 20 người. Nhà anh Luận đưa ra quy định nếu ai làm tốt thì có thưởng, còn nếu không may kho cá bị vỡ nồi hoặc bị cháy thì sẽ bị phạt. "Việc này vừa để khuyến khích người làm vừa để cho chất lượng cá kho ngày càng ngon hơn đáp ứng được khẩu vị của khách hàng", anh nói.

Chị Hải, ở Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam chia sẻ, tính đến thời điểm này, chị nhận được 8.000 đơn đặt hàng, nhiều hơn so với năm ngoái. Vì vậy, chị Hải phải thuê 30 nhân công chuyên kho cá để kịp đáp ứng các đơn hàng. Dù thế, mỗi ngày, số cá kho được chỉ khoảng 50 niêu. Chị Hải cho hay nếu không kịp để trả hàng, chị phải "cầu cứu" những cơ sở khác.

Do việc kho cá mất nhiều công đoạn nên mỗi người thợ lại đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau gồm mổ cá, xếp gia vị, cá vào niêu, bắc lửa, kho cá. Công đoạn nào cũng quan trọng, nếu bỏ hỏng mất một khâu nào cá sẽ không được ngon. Thời gian kho cá kéo dài trên dưới 10 tiếng nên các thợ cũng phải cắt cử nhau trông coi bếp lửa.

{keywords}
Niêu cá kho Vũ Đại thơm ngon mang đặc trưng riêng của vùng Bắc Bộ.

Chị Hạnh (36 tuổi) người cùng làng với chị Hải đã kho cá thuê nhiều năm nay cho biết, đây là công việc cho thu nhập ổn định vào lúc nông nhàn. Mỗi vụ kho cá thuê, chị Hạnh cũng kiếm được khoảng chục triệu để sắm Tết. Tuy nhiên, theo lời chị, không phải ai cũng kiếm được đủ số tiền 1 triệu đồng mỗi ngày, vì công việc kho cá đòi hỏi sự cần mẫn, kiên trì. "Mức tiền công 1 triệu đồng/ngày tôi cho là xứng đáng với công sức bỏ ra. Kho cá không đơn giản, chẳng những phải nêm nếm gia vị, gia giảm lửa mà người làm việc này còn phải chịu được khói bếp, tập trung cao độ. Nếu kho quá lửa là phải đền", chị Hạnh nói.

Là tổ trưởng dây chuyền kho cá cho cơ sở cá kho của anh Luận ở Nhân Hậu, Lý Nhân, Hà Nam đã được 4 năm, ông Tiến (45 tuổi) chia sẻ, công việc này phù hợp với những người ở vùng nông thôn có nhiều thời gian. Do có kinh nghiệm kho cá lâu năm nên phần việc chính của ông là pha chế và tưới nước vào nồi kho. Tiền công nhận được cho công việc này khá cao, dao động 500.000-600.000 đồng/ca.

(Theo Zing)