Thực tế trên, theo lãnh đạo Sở Công Thương Tiền Giang, là do đang có quá nhiều khâu trung gian trong lưu thông sản phẩm dừa từ vườn trồng đến tay người tiêu thụ.
Bên lề họp báo giới thiệu “Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP của Tiền Giang tại TP.HCM”, sáng 22/8, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, ông Lưu Văn Phi cho biết, giá dừa tại vườn ở Tiền Giang, Bến Tre ở mức 35.000-40.000 đồng/chục, tức có 3.500 đồng/trái dừa.
Tuy nhiên, trái dừa đó có khi phải đi qua tới 4-5 đại lý trung gian mới đến được tay người tiêu dùng thành phố. Dừa được bán giá 20.000 đồng/trái tại TP.HCM, nhưng người nông dân cũng không được hưởng lợi.
“Chi phí trung gian đang quá nhiều, chiếm tỷ trọng lớn. Người vận chuyển thì lấy ít nhất 500 đồng/trái; người thu mua cấp I cũng lấy 1.000-2.000 đồng/trái; rồi người thu mua cấp II lại ăn thêm trước khi dừa ra đến nơi bán. Giá sản phẩm từ địa phương lên thành phố chênh lệch cao, người tiêu dùng thành thị đang phải trả khoản tiền quá lớn”, ông Phi trao đổi với PV. VietNamNet.
Do đó, vị giám đốc Sở Công Thương cho rằng, chuỗi vận chuyển cần ngắn lại, bớt khâu trung gian thì lợi nhuận cho người nông dân mới được tăng lên. Nếu không, nhiều loại trái cây đặc sản địa phương sẽ không thể giữ được, nông dân không thấy được lợi ích trên diện tích vườn trồng.
Tuy nhiên, tín hiệu vui là sau khi có thông tin dừa sọ Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ, giá dừa đã có dấu hiệu nhích tăng. Với 35.000 ha diện tích trồng dừa trên địa bàn, thời gian tới, dừa chỉ lên 6.000 đồng/trái là người nông dân và địa phương đã rất vui, theo ông Phi.
Trong khi đó, trái sầu riêng tại Tiền Giang đang phát triển “nóng”, giá sầu từng lên tới 200.000 đồng/kg, thời điểm này khoảng 60.000-70.000 đồng/kg. Do vậy, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn đã tăng 20-30% so với năm 2022.
Giám đốc Sở Công Thương lo ngại, sau vài năm cây sầu riêng mới cho ra trái. Nếu cây không ra trái thì gây thiệt hại rất lớn cho bà con nông dân. Mặt khác, nếu cung vượt quá cầu thì cũng ảnh hưởng lớn tới thị trường tiêu thụ và biến động giá.
Chính quyền cũng không thể nói nông dân dừng trồng sầu riêng. Bởi, bà con sẽ hỏi lại ngay, nếu không cho thì họ sẽ trồng cây gì để cải thiện thu nhập? Khi đó, cơ quan Nhà nước cũng không thể trả lời thoả đáng được.
"Do vậy, rất cần sự hợp tác giữa nông dân, chính quyền, chuyên gia, doanh nghiệp xuất khẩu, hệ thống ngân hàng hỗ trợ tài chính để hình thành chuỗi ổn định. Chỉ cần vai trò của một cơ quan bị lu mờ sẽ ảnh hưởng tới toàn chuỗi giá trị nông sản", ông nói.
Theo Sở Công Thương Tiền Giang, tỉnh đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ thông qua siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi tại các đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai... Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nhằm khuyến khích người nông dân gắn bó với sản xuất nông sản địa phương.
Với mục tiêu trên, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 (ngày 29/8) và Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng của Tiền Giang (29/8-2/9) tại TP.HCM, để giới thiệu các loại nông sản OCOP nổi tiếng địa phương tới doanh nghiệp, người dân.
Trung Quốc khen nông sản Việt ngon, DN vẫn mua bán lẻ tẻ, đứt đoạnPhía Trung Quốc khen chất lượng nông sản Việt ngon, muốn mua lượng lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp hai bên vẫn còn mua bán lẻ tẻ rồi đứt đoạn, chưa có sự kết nối để tạo thành chuỗi giá trị cung ứng bền vững.