- Hôm nay, 1/6, tròn một tháng kể từ khi TQ hạ đặt trái phép giàn khoan di động Hải Dương 981 sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của VN.


MỜI BẠN ĐỌC BÀI VIẾT BẰNG TIẾNG ANH

Ngày 1/5, công ty dầu khí ngoài khơi TQ triển khai giàn khoan di động Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) tại tọa độ 15o29’ Vĩ Bắc, 111o12’ Kinh Đông, thời gian hoạt động được nước này thông báo đến ngày 15/8.

{keywords}
Giàn khoan Hải Dương 981 vẫn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Ảnh: Cảnh sát biển VN

VN cho rằng, theo Công ước Luật biển năm 1982, vị trí này nằm sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình nên lập tức lên tiếng yêu cầu TQ chấm dứt ngay hành động trên và rút dàn khoan khỏi vùng biển VN.

Đáp lại, TQ cho rằng đây là hoạt động khai thác tài nguyên bình thường trên vùng biển TQ và tố cáo ngược lại VN là bên gây hấn. TQ đã liên tục tăng số lượng tàu hộ tống, tàu hải quân, tàu hải cảnh, đâm va, bắn vòi rồng vào các lực lượng chấp pháp biển VN.

Vi phạm mang tính khiêu khích

Vị trí giàn khoan Hải Dương 981 định hạ đặt nằm cách bờ biển VN 130 hải lý và đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Hải Nam 182 hải lý, cách đá Triton thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý và đảo Phú Lâm cũng thuộc quần đảo này 103 hải lý.

Theo Công ước Luật biển của Liên hợp quốc UNCLOS 1982 mà VN và TQ đều là thành viên, mỗi nước có quyền có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tính từ đường cơ sở.
 
Nếu tính từ bờ biển VN và đảo Hải Nam, khu vực nằm trong vùng chồng lấn đặc quyền kinh tế của hai bên. Tuy nhiên Luật biển lại quy định rõ ràng trong vùng biển chồng lấn, các bên không được có những hành động đơn phương thăm dò khai thác vượt quá đường trung tuyến (hoặc cách đều) mà phải tiến hành đàm phán hoặc có những dàn xếp tạm thời trong khi chờ đợi phân định cuối cùng.

Thực tiễn phân định cho thấy các đảo ít khi được hưởng cùng một hiệu lực như lãnh thổ đất liền. Vì vậy xét từ lý thuyết phân định, trong tương quan giữa bờ biển VN và đảo Hải Nam, khu vực này nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN hoặc chí ít cũng nằm về phía VN qua đường trung tuyến.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi liên quan đến tương quan giữa bờ biển VN và quần đảo Hoàng Sa.

Đây là quần đảo VN khẳng định đã xác lập chủ quyền từ thế kỷ XVII song lại nằm dưới sự quản lý thực tế của TQ từ năm 1974 sau khi đánh chiếm từ VN Cộng Hòa bằng vũ lực.

TQ đã tuyên bố đường cơ sở cho quần đảo này vào năm 1996 và đá Triton là một trong những điểm nhô ra nhất về phía Nam của đường cơ sở đó.

Tuyên bố này bị thế giới phê phán vì đã áp dụng cách vẽ đường cơ sở quốc gia quần đảo cho một quần đảo đang tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, TQ luôn cho rằng quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) thuộc về họ, không có tranh chấp, không đàm phán.

Nghiêm trọng hơn, tháng 7/2012, TQ tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa có trụ sở trên đảo Phú Lâm và quản lý toàn vùng biển trong đường lưỡi bò chiếm 80% diện tích Biển Đông.

VN không bao giờ chấp nhận đảo Phú Lâm, đá Triton và các địa vật của quần đảo Hoàng Sa thuộc TQ. Áp dụng điều 121 (3) của UNCLOS 1982, các đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng như Triton sẽ chỉ có lãnh hải 12 hải lý mà không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.

Ngay cả đảo Phú Lâm rộng 200 ha nếu có hiệu lực phân định thì cũng rất nhỏ. Trong phân định vịnh Bắc Bộ, đảo Bạch Long Vỹ 2,5 km2 chỉ được hưởng ¼ hiệu lực. Trong phân định vịnh Thái Lan, đảo Thổ Chu chỉ hưởng 1/3 hiệu lực.

Phán quyết của Tòa án và Trọng tài quốc tế đều khẳng định xu thế các đảo không có hiệu lực tương xứng trong tương quan với đất liền.

Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về tài nguyên và quyền tài phán về lắp đặt, sử dụng, duy trì và sửa chữa các công trình thiết bị trên biển.

Vì vậy, việc TQ đơn phương triển khai hoạt động khoan thăm dò khai thác trong vùng biển nước khác được xem là vi phạm mang tính khiêu khích.

Hành động bất chấp của TQ

Tính từ năm 1988, thời điểm xung đột gần nhất giữa VN và TQ, vụ việc này có mấy điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, hành động của TQ tỏ ra hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế và các thỏa thuận khu vực nhất.

Thứ hai, phản ứng của VN dù ở mức độ kiềm chế không sử dụng biện pháp quân sự nhưng cũng thể hiện nhanh nhất, đồng bộ nhất, kiên quyết nhất không chỉ trên thực địa.

Lần đầu tiên Thủ tướng VN đã nêu đích danh các hoạt động phi pháp của TQ trong vùng biển VN trước các diễn đàn ASEAN và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tuyên bố: “VN kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó” .

Thứ ba, dư luận quốc tế phản ứng với hành động của TQ mạnh mẽ nhất, đoàn kết nhất. Các tiếng nói phê phán vang lên từ Washington, EU, Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Thứ tư, ASEAN thể hiện mình là một khối thống nhất trước áp lực chia rẽ của TQ với một tuyên bố riêng của các Ngoại trưởng về Biển Đông, điều chưa từng có sau 19 năm kể từ sự kiện Vành Khăn năm 1995.

Điều Bắc Kinh không muốn nhất là quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Và trái với tính toán của Bắc Kinh, ASEAN đã tỏ rõ sức mạnh đoàn kết của cả khối trong việc đồng thuận đưa tình hình Biển Đông vào các văn kiện của Hội nghị cấp cao (tuyên bố Nay Pyi daw và Tuyên bố Chủ tịch) tháng 5/2014.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi ASEAN cần thể hiện quan điểm chung về tình hình Biển Đông vì các cuộc “xung đột xảy ra ngay tại cửa ngõ của chúng ta”. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa khẳng định TQ phải tôn trọng những cam kết của mình đối với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Theo ông, Bắc Kinh luôn muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở song phương và không muốn có sự tham dự của bên thứ ba.

Tuy nhiên, hành động TQ đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển VN không chỉ là vấn đề song phương mà còn là vấn đề của khu vực, vì vậy ASEAN có “trách nhiệm đặc biệt” để đảm bảo hai bên sẽ đối thoại để giải quyết tình hình.

ASEAN đã trưởng thành lên so với năm 2012. Hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, không sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển, DOC và sớm có COC luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong lập trường các nước ASEAN.

Thứ năm, các cuộc xuống đường thể hiện lòng yêu nước của người dân VN đã nổ ra không chỉ trên dải đất chữ S mà khắp thế giới nơi có người Việt sinh sống. VN có được lòng dân cả trong và ngoài nước.

Việt Long

Kỳ tới: Đích nhắm nào của TQ sau giàn khoan Hải Dương 981?

MỜI BẠN ĐỌC BÀI VIẾT BẰNG TIẾNG ANH