Cục Viễn thông cho biết, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho chuyển đổi mã vùng từ thông tin, tuyên truyền cho đến thử nghiệm kỹ thuật đã hoàn tất, sẵn sàng để triển khai giai đoạn 1 của kế hoạch chuyển đổi mã vùng vào 00 giờ 00 phút ngày 11/2/2017.

Kế hoạch đổi mã vùng được Bộ TT&TT chia thành 3 giai đoạn tại của 59/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc (trừ 4 tỉnh là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang). Theo đó từ 00 giờ 00 phút ngày 11/2/2017, sẽ đổi mã vùng điện thoại cố định giai đoạn 1 tại 13 tỉnh, thành gồm: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 15/4/2017, VNPT sẽ thực hiện tại 23 tỉnh thành gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng.

Giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 17/6/2017, VNPT sẽ thực hiện tại 23 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp.

Việc đổi mã vùng điện thoại cố định tác động mạnh nhất đến VNPT vì doanh nghiệp này đang có nhiều thuê bao cố định nhất. Số thuê bao cố định của VNPT tại 59 tỉnh, thành phố hiện nay là 4,5 triệu ở trên 109 tổng đài. Bên cạnh đó, VNPT cũng tiến hành đổi số cho 1,8 triệu thuê bao Gphone.

VNPT cho biết, công việc đổi số diễn ra vào ban đêm và sẽ thực hiện trong 2 tiếng, về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến dịch vụ của khách hàng. Nếu khi có bất cứ một nguy cơ nào ảnh hưởng đến dịch vụ thì VNPT sẽ thực hiện khôi phục lại dịch vụ như cũ để đảm bảo sáng hôm sau khách hàng sử dụng bình thường. Các phương án kỹ thuật của VNPT đảm bảo không ảnh hưởng đến việc ghi cước và tính cước của hệ thống tổng đài và đáp ứng khả năng quay số song song theo mã vùng cũ và mới. Bên cạnh đó, hệ thống ghi âm VNPT sẽ đặt tại các tổng đài HOST, tổng đài liên tỉnh và Gate di động. VNPT đã sẵn sàng các hệ thống ghi âm và thử nghiệm thành công khả năng phát âm thông báo thay đổi mã vùng cho từng tỉnh đã sẵn sàng.

Ngày 7/2/2017, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và lãnh đạo Cục Viễn thông đã có buổi họp với VNPT, Viettel, MobiFone, FPT Telecom, CMC, Gtel, Vietnamobile, Đông Dương Telecom… để rà soát lại các công việc cho đợt đổi mã vùng điện thoại cố định ngày 11/2/2017.

Tại buổi họp này, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, tuy việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định không ảnh hưởng nhiều đến khách hàng và doanh nghiệp nhưng không được xem nhẹ.

“Chúng ta cần xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, các doanh nghiệp phải coi lợi ích của khách hàng là trên hết. Lợi ích của việc chuyển đổi mã vùng ở đây không chỉ là quyền lợi của khách hàng hay của riêng từng doanh nghiệp viễn thông mà là trách nhiệm của cả ngành Viễn thông đối với xã hội”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.

Thứ trưởng Phan Tâm chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phải sẵn sàng hệ thống kỹ thuật để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, sẵn sàng xử lý tất cả các tình huống phát sinh. Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông là Trưởng ban chỉ đạo việc chuyển đổi mã vùng tham gia trực tiếp vào nhóm đặc trách để việc phối hợp thông tin giữa các mạng được thông suốt, kịp thời. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần thống nhất với nhau một kịch bản khung của quá trình phối hợp, kiểm tra tại thời điểm chuyển đổi mã vùng dưới vai trò nhạc trưởng của Cục Viễn thông. Khi thực hiện chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định, chúng ta cũng cần quan tâm tới phản ánh của khách hàng, bám sát đến những vấn đề quan tâm, lo lắng, thắc mắc để từ đó giải thích, tuyên truyền cho khách hàng.